Tham dự sự kiện này tại đầu cầu Moskva có Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, đại diện các phòng ban Đại sứ quán, trên 20 sinh viên Nga học tiếng Việt và giáo viên giảng dạy tại hai trường Đại học Ngoại giao Moskva (MGIMO) và Đại học Tổng hợp ngôn ngữ quốc gia Moskva (MSLU); tại các đầu cầu St. Petersburg, Kazan và Vladivostosk là các sinh viên đang học tiếng Việt và giáo viên giảng dạy của Đại học Tổng hợp quốc gia Petersburg, Đại học Tổng hợp Kazan và Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông, cùng đại diện Bộ Giáo dục Đại học Nga.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi bày tỏ vui mừng được gặp các thày cô và các em sinh viên sau một thời gian dài gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đại sứ nhấn mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo luôn là điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nga, khẳng định các sinh viên Nga đang theo học tiếng Việt chính là những cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Nga.
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, khi có nhiều doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam và quan hệ kinh tế, thương mại, du lịch song phương phát triển, sinh viên sẽ có thể có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đại sứ cũng bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ để tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động giảng dạy tiếng Việt tại Nga như vấn đề sách giáo khoa, tổ chức các hoạt động cũng như kết nối để sinh viên Nga học tiếng Việt có điều kiện tiếp xúc, giao lưu hơn nữa với cộng đồng người Việt Nam, với tiếng Việt ngay tại Nga, đồng thời cũng sẽ làm việc với các cơ quan chức năng Nga để tạo điều kiện phát triển đội ngũ chuyên gia tiếng Việt.
Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định Việt Nam là nước luôn ủng hộ và có thể hỗ trợ Nga trong chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời bày tỏ tin tưởng cùng với sự phát triển quan hệ Việt Nam - Nga, việc học tiếng Việt sẽ ngày càng được quan tâm hơn.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Giảng viên Hoàng Thị Hồng Hoa của trường MSLU cho biết khoa tiếng Việt của trường hiện có gần 30 sinh viên, một số em đã 2 năm qua phục vụ đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam tham dự Hội thao Quân sự (Army Games) tại Nga và được đánh giá cao cả về năng lực cũng như đạo đức.
Giảng viên Hoàng Thị Hồng Hoa cũng nêu một số khó khăn trong hoạt động giảng dạy tiếng Việt như thiếu tư liệu và sách giáo khoa giảng dạy hiện đại; việc tổ chức cho sinh viên đi thực tập tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hay tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm theo ngành học.
Giảng viên Đại học Ngoại giao Moskva (MGIMO) - chị Svetlana Glazunova cho biết mặc dù hiện nay, sự phát triển của công nghệ, các mạng xã hội đã giúp gắn kết con người dễ dàng hơn, nhưng vẫn không thể so sánh với cơ hội để sinh viên Nga được thực tập trực tiếp tiếng Việt tại Việt Nam. Chị Svetlana cũng nêu thực trạng là dù MGIMO lâu nay là trường có truyền thống giảng dạy tiếng Việt tại Nga xong hiện số sinh viên học tiếng Việt quá ít (4 em).
Giảng viên Nguyễn Anh Nam của Đại học Tổng hợp Liên bang Viên Đông (FEFU) cũng cho biết mặc dù hiện có trên 40 sinh viên đang học tiếng Việt tại trường, song khoa tiếng Việt đang phải cạnh tranh với chính các khoa dạy các ngôn ngữ khác để thu hút sinh viên.
Các sinh viên Nga đang học tiếng Việt cũng phát biểu bày tỏ tình yêu với Việt Nam, sự thú vị của văn hóa, bản sắc và con người Việt Nam cũng như mong muốn được sang Việt Nam thực tập trong thời gian gần nhất.