Giãn cách vì COVID-19 giúp người trẻ tránh bị hỏi chuyện kết hôn

Với những người đến độ tuổi kết hôn, đại dịch COVID-19 là một cái cớ hoàn hảo để không về quê ngày Tết.

Chú thích ảnh
Một cô gái cầu nguyện tại ngôi chùa Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Reuters

Trong 6 năm kể từ khi Du Zini làm việc xa nhà tại Nam Ninh, cô chưa lần nào bỏ lỡ dịp đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán ở tỉnh Giang Tây. “Tôi ngủ cho đến khi tỉnh dậy, rồi có sẵn đồ ăn. Ăn xong, tôi đi chơi. Những ngày tết đều thoải mái và dễ dàng. Khi tôi về nhà, mọi áp lực đều tan biến”, cô gái trẻ 28 tuổi chia sẻ với tờ Washington Post.

Tuần trước, Du đã hủy vé máy bay về nhà do các biện pháp hạn chế di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán vì dịch bệnh. Mẹ Du lo lắng cô đón Tết một mình, đã gửi đồ ăn truyền thống lên để cô nhớ đến hương vị quê hương trong dịp nghỉ lễ.

Hai năm liên tiếp, hàng triệu người làm việc ở ngoại tỉnh như Du bỏ lỡ dịp nghỉ lễ quan trọng nhất năm. 

Nhiều tháng trước tết, do lo sợ dịch bệnh bùng phát không thể kiểm soát, chính quyền các tỉnh đã kêu gọi và đưa ra nhiều ưu đãi để người dân hạn chế di chuyển trong Xuân Vận, như trợ cấp tiền mặt, miễn phí lưu lượng dữ liệu điện thoại hoặc điểm cộng để đạt được giấy phép cư trú trong các thành phố lớn. Quốc vụ viện còn chỉ đạo các quan chức địa phương hướng dẫn người dân đón Tết tại chỗ thay vì di chuyển tới các nơi.

Tết Nguyên đán năm nay tại Trung Quốc diễn ra vào thời điểm nhạy cảm. Trên 20 triệu người dân ở các tỉnh phía Bắc phải chịu cảnh phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau sau khi các ổ dịch mới được phát hiện. Các biện pháp hạn chế dường như có hiệu quả. Số lượng hành khách di chuyển trong dịp Xuân Vận năm nay được cho là sẽ thấp nhất trong cả một thập kỷ. Bộ Giao thông ước tính sẽ có 1,2 tỷ lượt di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ở Trung Quốc, chỉ bằng 1/3 so với năm 2019 và giảm hơn 20% so với năm 2020. 

Chú thích ảnh
Khung cảnh vắng vẻ tại quầy kiểm soát ở sân bay quốc tế Thượng Hải Hongqiao ngày 28/1 - ngày đầu của dịp di chuyển Xuân Vận. Ảnh: Reuters

Đối với một số người trẻ tuổi, việc không thể về nhà trong dịp Tết Nguyên đán do các biện pháp hạn chế COVID-19 đồng nghĩa với việc họ sẽ không phải nghe những lời hỏi thăm “vô duyên” từ họ hàng hoặc hàng xóm về việc lương bao nhiêu hay bao giờ lập gia đình. Nhiều người cho biết họ rất hạnh phúc khi không phải nghe những câu hỏi đó khi gặp mặt ăn uống với bạn bè hay đồng nghiệp.

“Với những người đến độ tuổi kết hôn – những người hàng năm đều tìm một lý do để không thể về nhà, đại dịch COVID-19 là một cái cớ hoàn hảo”, một cư dân mạng bày tỏ niềm vui khi không phải quay trở lại quê nhà Thâm Quyến. “Điều này rất tuyệt vời. Tôi sẽ không trở thành đối tượng bị giáo huấn về việc kết hôn”, một phụ nữ sống tại tỉnh Cát Lâm viết trên trang nhật ký trực tuyến.

Tuy nhiên, vẫn có những người mong muốn về nhà ăn Tết và thấy tức giận vì những quy định bổ sung của địa phương, trái với chỉ đạo của chính phủ khiến họ không thể về.

Theo lý thuyết, những người trở về các khu vực nông thôn chỉ cần đưa giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 có thời hạn không quá 7 ngày. Tuy nhiên, khi về các tỉnh, chính quyền địa phương lại tự bổ sung các biện pháp hạn chế, như cách ly tập trung bắt buộc hoặc niêm phòng nhà của người dân đi từ tỉnh khác về.

Tại thị trấn Kê Tây thuộc tỉnh Hắc Long Giang, một người dân trở về nhà vào tuần trước và sau đó nhà cô bị niêm phong với thông báo yêu cầu cô phải cách ly trong 7 ngày. Tại Thiên Tân, thành phố ven biển với hơn 15 triệu dân, những người trở về các quận ngoại thành của thành phố đã được lệnh cách ly tại nhà trong 14 ngày. 

"Tôi quá mệt mỏi. Chính sách thay đổi hàng ngày và mỗi địa phương lại một khác. Cuối cùng, không ai có thể về nhà”, một cư dân mạng viết trên Weibo.

Trước sự bức xúc từ người dân, với từ khóa “bảo vệ quyền của người lao động nhập cư” đã có hơn 280 triệu lượt chia sẻ, Ủy ban Y tế Quốc gia đã yêu cầu chính quyền địa phương thu hồi lệnh xét nghiệm và cách ly bắt buộc đối với những người đến từ khu vực nguy cơ thấp. Mi Feng – người phát ngôn của ủy ban – miêu tả những lệnh hạn chế tự phát này là kết quả của sự lười biếng trong việc quản lý và làm lãng phí tài nguyên kiểm soát đại dịch.

Bảo Hà/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 7/2: Thái Lan lo dịch lan trong Tết Nguyên đán; Malaysia nới lỏng quy định phòng dịch 
COVID-19 tại ASEAN hết 7/2: Thái Lan lo dịch lan trong Tết Nguyên đán; Malaysia nới lỏng quy định phòng dịch 

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 7/2, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 16.631 ca mắc COVID-19 và 248 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.164.754 ca, trong đó 46.921 người tử vong. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN