Giám đốc điều hành tập đoàn Intel từ chức sau nhiệm kỳ sóng gió

Tập đoàn Intel vừa thông báo Giám đốc điều hành (CEO) Pat Gelsinger từ chức sau một giai đoạn khó khăn tại công ty.

Chú thích ảnh
Trụ sở Tập đoàn Intel ở California, Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip từng thống trị thị trường đã giảm mạnh do bỏ lỡ làn sóng Trí tuệ nhân tạo (AI) và bị hầu hết các đối thủ vượt mặt.

Theo đó, ông Gelsinger đã từ chức CEO và rời khỏi hội đồng quản trị Intel kể từ ngày 1/12. Giám đốc tài chính David Zinsner và Giám đốc mảng máy tính cá nhân Michelle Johnston Holthaus sẽ tạm thời đồng lãnh đạo Intel trong thời gian tìm kiếm CEO mới. Bà Holthaus cũng được bổ nhiệm vào vị trí CEO sản phẩm Intel mới được thành lập, giám sát các nỗ lực về sản phẩm trung tâm dữ liệu và AI.

Chủ tịch hội đồng quản trị độc lập Frank Yeary, người được bổ nhiệm làm chủ tịch điều hành tạm thời sau khi ông Gelsinger rời đi, khẳng định cam kết khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và tinh gọn hoạt động của công ty. Ông Yeary cho biết ban lãnh đạo sẽ tập trung vào việc đơn giản hóa danh mục sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất và tối ưu hóa chi phí vận hành.

Ông Gelsinger nhậm chức CEO Intel vào tháng 2/2021 với nhiệm vụ vực dậy “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đang chật vật trước những cạnh tranh khốc liệt, tình trạng sản xuất bị trì hoãn và sự ra đi của nhiều nhân tài. Tuy nhiên, triển vọng của Intel tiếp tục đi xuống trong nhiệm kỳ của ông. Rõ ràng Intel đã tụt hậu giữa làn sóng công nghệ bất chấp hàng tỷ USD chi tiêu của Chính phủ Mỹ để hỗ trợ sản xuất chip trong nước.

Cổ phiếu Intel đã giảm tới 61% trong thời gian ông Gelsinger lãnh đạo. Chốt phiên 2/11, cổ phiếu Intel giảm 0,5% xuống 23,93 USD/cổ phiếu.

Hồi tháng 8, công ty thông báo sẽ sa thải 15% nhân viên như một phần nỗ lực cắt giảm 10 tỷ USD chi phí và thay đổi căn bản cách thức vận hành.

Intel từng nắm giữ thị phần lớn trên thị trường chip máy tính toàn cầu, xuất hiện trong cả những chiếc máy tính cá nhân để bàn và máy tính Mac của Apple. Nhưng làn sóng điện toán di động trong hai thập kỷ qua đã khiến công ty bất ngờ, khiên họ trở nên tụt hậu so với các đối thủ. Trong những năm gần đây, Intel tiếp tục bị động và tỏ ra chậm chạp trong làn sóng AI.

Một năm sau khi ông Gelsinger nhậm chức CEO, OpenAI đã ra mắt chatbot ChatGPT tạo nên cơn sốt toàn cầu. Nvidia, từng là một đối thủ nhỏ bé của Intel, giờ là công ty có giá trị thứ hai thế giới sau khi đặt cược lớn vào chip chuyên dùng cho các trung tâm dữ liệu khổng lồ hỗ trợ AI. Giá trị thị trường 3.400 tỷ USD của Nvidia gấp 33 lần con số 104 tỷ USD của Intel. Cổ phiếu Nvidia cũng đã tăng gần 720% trong hai năm qua.

Intel đang thực hiện một cuộc chuyển đổi đầy rủi ro và tốn kém sang mô hình kinh doanh sản xuất chip cho các công ty như Apple, đồng nghĩa Intel sẽ cạnh tranh trực tiếp với “gã khổng lồ” ngành chip TSMC. Nỗ lực này là trọng tâm trong chiến dịch của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm phục hồi hoạt động sản xuất chip trên đất Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả nỗ lực này cũng gặp phải sự chậm trễ.

Hồi tháng 3/2024, Intel được thông báo sẽ nhận khoản tài trợ 8,5 tỷ USD từ Đạo luật CHIPS và Khoa học để hỗ trợ công ty xây dựng và mở rộng các cơ sở sản xuất tại Mỹ. Nhưng tuần trước, Intel thông báo khoản hỗ trợ đã bị cắt giảm xuống còn 7,86 tỷ USD sau khi công ty trì hoãn kế hoạch đầu tư và khai trương một số nhà máy mới. Phía Intel cho biết khoản tài trợ bị giảm phản ánh một khoản tài trợ riêng biệt trị giá 3 tỷ USD từ chính phủ để sản xuất chip cho các dự án quốc phòng của Mỹ.

Hương Thủy/TTXVN (Tổng hợp)
Mỹ nỗ lực giúp Intel lấy lại vị thế trong lĩnh vực chip bán dẫn
Mỹ nỗ lực giúp Intel lấy lại vị thế trong lĩnh vực chip bán dẫn

Chính phủ Mỹ và Intel có thể sẽ hoàn tất thỏa thuận cung cấp khoản tài trợ trực tiếp 8,5 tỷ USD cho hãng sản xuất chip này trước cuối năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN