Theo báo Nhật Bản Nikkei, ngày 6/9, Thái Lan đã công bố một gói chính sách, trong đó gồm việc cắt giảm 50% thuế dành cho các công ty nước ngoài di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nền kinh tế Đông Nam Á giữa bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung.
Để đạt được yêu cầu hưởng chính sách mới, các doanh nghiệp nước ngoài phải cam kết đầu tư ít nhất 1 tỷ bạt (32,7 triệu USD) trong năm tới và tiếp tục đầu tư trong năm 2021. Những nhà đầu tư được phê duyệt sẽ được miễn thuế 50% trong quãng thời gian 5 năm.
Chính sách mới này cho thấy Thái Lan đang nỗ lực trong cuộc chạy đua hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia khác trong khu vực, cũng như tìm kiếm cơ hội để đưa lĩnh vực sản xuất của đất nước tiến tới những hoạt động mang lại giá trị cao hơn.
Theo Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan, hiện có 48 doanh nghiệp đa quốc gia, trong đó có cả nhà sản xuất chip Mỹ Western Digital, đang cân nhắc di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á. 10 trong số 48 công ty trên là những ứng viên tiềm năng đầu tư vào Thái Lan.
“Bằng chính sách mới, Thái Lan có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trong châu Á về thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhằm thu hút các công ty công nghệ cao muốn chuyển dây chuyền sản xuất về Thái Lan”, Kobsak Pootrakool – một quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng – phát biểu tại một cuộc họp chính sách kinh tế hôm 6/9.
Bên cạnh đề nghị cắt giảm thuế, Chính phủ Thái Lan cũng sẽ tạo một trang thông tin điện tử cung cấp tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài làm cách nào để nộp đơn đăng ký đầu tư.
Nhằm khuyến khích việc đào tạo các công nhân lành nghề, một chính sách thuế khác cũng sẽ được giới thiệu để xây dựng các trung tâm đào tạo và cung cấp chương trình phát triển nhân viên. Luật lao động cũng được nới lỏng để giữ chân những người nước ngoài có tay nghề làm việc tại Thái Lan.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp tục leo thang từ ngày 1/9 vừa qua khi Washington và Bắc Kinh bắt đầu đợt áp thuế bổ sung mới đối với hàng hóa của nhau. Theo đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe bluetooth và nhiều loại giày dép. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc ép Trung Quốc từ bỏ các hành vi thương mại mà Washington cho là không công bằng, cũng như thay đổi những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, việc ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và tiếp cận thị trường.
Tranh cãi bùng nổ vào tháng 7/2018, theo đó hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Tranh cãi thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới gây lo ngại làm tổn hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu.