Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Yuji Kuroiwa, Thống đốc tỉnh Kanagawa, cho biết nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở tỉnh này rất muốn đầu tư tại Việt Nam, đồng thời khẳng định tỉnh Kanagawa sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương đầu tư vào Việt Nam.
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang trong “giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”. Đại sứ nhấn mạnh: “Đây là thời điểm thích hợp nhất để các nhà đầu tư hai nước đẩy mạnh hợp tác, góp phần đưa làn sóng đầu tư của doanh nghiệp hai nước phát triển mạnh mẽ”.
Lý giải về nhận định trên, Đại sứ cho biết Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản - những doanh nghiệp có nguồn vốn không nhỏ và sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến mà Việt Nam quan tâm, trong khi Chính phủ Nhật Bản cũng đang khuyến khích các công ty trong nước đầu tư sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết mặc dù mới có hiệu lực trong thời gian ngắn nhưng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bước đầu đã có tác động tích cực tới quan hệ thương mại giữa hai nước. Kim ngạch thương mại của một số mặt hàng giảm thuế trong CPTPP tăng trưởng tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,68 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu đạt 4,3 tỷ USD.
Tại diễn đàn, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã giới thiệu về môi trường và chính sách đầu tư của Việt Nam, trong đó nêu bật các nhân tố khiến Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài như môi trường chính trị, xã hội ổn định, nền kinh tế tăng trưởng cao, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí sản xuất cạnh tranh, thị trường đầy tiềm năng, chính sách đầu tư thông thoáng, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu...
Ông Đỗ Nhất Hoàng cũng khẳng định định hướng thu hút vốn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong thời gian tới là “chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu”.
Cũng tại diễn đàn, 4 tỉnh của Việt Nam gồm Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên và Vĩnh Long đã giới thiệu về tiềm năng và định hướng phát triển cùng với các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài của mỗi địa phương.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề diễn đàn, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Thái Bình, cho biết tại diễn đàn này, các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm tới việc đầu tư vào tỉnh Thái Bình. Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao tiềm năng và lợi thế của tỉnh, nhất là việc Thủ tướng cho phép tỉnh quy hoạch và đầu tư xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình.
Về định hướng thu hút vốn FDI của tỉnh, ông Ngô Đông Hải nói: “Tỉnh Thái Bình rất quan tâm tới việc thu hút các nhà đầu tư có chất lượng cao vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, sử dụng các lao động bậc cao và đặc biệt là đảm bảo điều kiện về môi trường cũng như các điều kiện về kết nối và lan tỏa trong sản xuất. Các nhà đầu tư Nhật Bản là những nhà đầu tư có lợi thế và uy tín trong lĩnh vực này. Tại diễn đàn này, khi chúng tôi đặt vấn đề, chính các nhà đầu tư công nghệ cao Nhật Bản hiện nay rất quan tâm và đồng tình với quan điểm thu hút đầu tư đó”.
Bên lề diễn đàn, Thống đốc tỉnh Kanagawa đã tiếp Đại sứ Vũ Hồng Nam và các đoàn đại biểu 4 tỉnh của Việt Nam.