Những căn nhà “ma” vắng vẻ được biết đến với tên gọi “akiya” là cảnh tượng phổ biến trên khắp Nhật Bản. Hầu hết akiya tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn và đều thuộc sở hữu của các gia đình không có người thừa kế hoặc không có người thuê mới.
Theo đài BBC (Anh), số lượng những căn nhà hoang này đã đạt tới mức cao kỷ lục, chiếm 13,6% tài sản trên khắp Nhật Bản vào năm 2018. Theo dự đoán, những căn nhà hoang sẽ còn tiếp tục tăng lên khi thanh niên địa phương rời quê hương lên các thành phố sầm uất để làm việc và dân số tại Nhật Bản không đủ để thừa kế những căn nhà này.
Tỷ lệ những căn nhà bỏ hoang tại Nhật Bản còn cao hơn cả Mỹ và châu Âu. Theo ước tính của chính phủ nước này, có khoảng 8 triệu ngôi nhà “ma” trên khắp đất nước. Dự kiến đến năm 2033, con số này sẽ tăng lên 20 triệu.
Suy giảm dân số là một vấn đề nan giải ở nhiều quốc gia và trở thành mối quan tâm lớn của Nhật Bản khi đất nước này đã phải trải qua nhiều cuộc khủng hoảng dân số trong suốt thế kỷ 20. Theo Viện Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia, năm 2018, số trẻ sơ sinh được sinh ra thấp nhất kể từ trước đến nay, trong khi đó số người tử vong liên tục vượt quá số ca sinh.
Áp lực về dân số đã đè nặng lên nền kinh tế đất nước, Nhật Bản đứng trước một câu hỏi quan trọng: Khi xã hội suy giảm, chúng ta cần làm gì với những ngôi nhà không cần thiết nữa? Để giải quyết tình trạng nhà trống, “ngân hàng akiya” đã được thành lập tại Tokyo, Okayama và tỉnh miền núi Kumamoto, Kyushu để kết nối người mua nhà tiềm năng với các chủ nhà.
Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn, nhu cầu nhà ở dường như rất thấp và những căn nhà akiya cũng ngày càng trở nên mất giá trị. Các đại lý bất động sản không muốn môi giới bán akiya mặc dù họ có thể kiếm tiền từ các khoản phí và được chiết khấu phần trăm từ giá trị tài sản sau khi giao dịch thành công.
Chính bởi vậy, số lượng căn nhà bỏ trống trong “ngân hàng akiya” vẫn gia tăng liên tục. Chính quyền địa phương cảm thấy vô cùng áp lực trong việc bảo tồn akiya khỏi các thảm họa thiên tai vì hầu hết những căn nhà này đã vài chục tuổi, quá cũ kỹ và ít có khả năng chống chọi với bão hoặc động đất.
Tại vùng thị trấn Okutama, một miền quê yên bình nằm ở thung lũng phía Tây Bắc, cách thủ đô Tokyo khoảng 2 giờ, rất nhiều căn nhà akiya đang trong tình trạng bị bỏ hoang lãng phí.
Bốn năm trước, Okutama đã mở một chương trình tái sử dụng những căn nhà akiya được tặng bởi những người thừa kế. Người thuê nhà akiya có thể trả một khoản phí nhỏ hàng tháng trong suốt 15 năm, sau đó họ sẽ nhận được quyền sở hữu và những khoản phí sẽ dần được hoàn trả. Trên thực tế, tiền thuê akiya một phần sẽ được đóng vào thuế tài sản, phần còn lại sẽ trả cho hội đồng môi giới giúp đỡ người thuê nhà.
Mặc dù thị trấn đã tạo điều kiện bảo trì kiến trúc cơ bản, cung cấp một khoản trợ cấp lên tới 18.000 USD để cải thiện các dịch vụ trẻ em miễn phí cho người thuê akiya tiềm năng, chính quyền Okutama vẫn đang phải vật lộn để tìm cư dân mới. Trên thực tế, những nỗ lực nhằm xóa sổ tình trạng nhà “ma” tại Nhật Bản cũng chưa thực sự có hiệu quả rõ rệt. Cho đến nay mới chỉ có 7 gia đình ở Okutama đã chọn akiya.
Tại nhiều thành phố khác trên khắp cả nước, chính quyền cũng đưa ra những giải pháp sáng tạo khác nhau như thu hút giới nghệ sĩ, người làm việc tự do đến ở khi họ có thể làm việc chỉ cần Internet. Thậm chí tại nhiều nơi, các dự án nghệ thuật cũng được thành lập. Nhiều ngôi nhà bỏ hoang đã được các nghệ sĩ biến thành các tác phẩm nghệ thuật.
Tiến sĩ Chie Nozawa, chuyên gia khoa học kỹ thuật tại Đại học Tokyo dự đoán vấn đề akiya sẽ còn lan rộng ra cả những khu vực trung tâm của các thành phố lớn nếu không tìm được giải pháp hồi sinh các khu dân cư cũ trong tình trạng dân số đang suy giảm nhanh chóng.
“Dù những căn nhà có thể không còn được sử dụng theo những giá trị ban đầu đi chăng nữa nhưng việc có thể bảo vệ và giữ gìn chúng mới là điều quan trọng. Điểm mấu chốt là chúng ta cần bảo tồn những ngôi nhà theo cách tích cực”, Fram Kitagawa, Trưởng dự án nghệ thuật, chia sẻ.