Trong buổi lễ diễn ra tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Ủy ban Nobel tuyên bố Giải Nobel Hóa học năm 2019 thuộc về ba nhà khoa học John B. Goodenough (người Mỹ), M. Stanley Whittingham (người Anh) và Akira Yoshino (người Nhật Bản) với công trình nghiên cứu và phát triển các loại pin lithium-ion.
Pin Lithium-ion (còn gọi là pin Li-ion) là loại pin được cấu tạo gồm các thành phần cơ bản là chất điện phân đóng vai trò như môi trường điện ly giữa hai cực âm và dương của pin. Phát minh quan trọng của ba nhà khoa học nói trên hiện nay rất quen thuộc với con người, đặc biệt phổ biến trong các thiết bị điện tử như điện thoại di động, xe hơi, các thiết bị giải trí, y tế, xe điện, hàng không...
Ưu điểm lớn của pin lithium-ion là có thể sạc đi sạc lại nhiều lần, mật độ năng lượng lớn (kể cả trên kích thước pin nhỏ), ít bị tự xả (giữ năng lượng lâu), thân thiện môi trường hơn so với các công nghệ cũ. Pin lithium-ion, do nhà khoa học Stanley Whittingham bắt đầu nghiên cứu từ năm 1970, lần đầu được giới thiệu với công chúng vào năm 1991.
Việc các nhà khoa học Whittingham, Goodenough và Yoshino phát triển thành công pin lithium-ion được đánh giá là "tạo ra một cuộc cách mạng về năng lượng của thế giới hiện đại và ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc sống của con người".
Theo Ủy ban Nobel, pin lithium-ion đã giúp giải quyết nhiều vấn đề về năng lượng và đặt nền tảng cho "một xã hội thiết bị không dây và không sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch".
Nobel Hóa học là giải thứ hai được công bố trong mùa giải Nobel năm nay.
Giải Nobel Hoá học do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao hàng năm để tôn vinh các nhà khoa học trong lĩnh vực hoá học. Đây là một trong 5 giải thuộc Giải Nobel được trao theo di chúc của Alfred Nobel năm 1895.
Giải Nobel Hóa học được trao lần đầu năm 1901 và tới nay đã có 183 cá nhân được vinh danh.
Trước đó, Ủy ban Nobel ngày 7/10 đã trao Giải Nobel Y học năm 2019 cho ba nhà khoa học William G. Kaelin Jr, Peter J. Ratcliffe và Gregg Semenza để vinh danh công trình nghiên cứu về phản xạ của tế báo trên cơ thể người đối với các môi trường oxy thay đổi.
Ngày 8/10, Giải Nobel Vật lý 2019 cũng đã được trao cho các nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz. Ông Peebles được vinh danh nhờ "những phát hiện mang tính lý thuyết vật lý vũ trụ. Trong khi hai nhà khoa học Mayor và Queloz nhận Giải Nobel Vật lý nhờ "khám phá ra hành tinh “51 Pegasi b” nằm ngoài Hệ Mặt trời có quĩ đạo như một ngôi sao trong Hệ Mặt trời" vào năm 1995.
Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel sẽ được trao 9 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 914.000 USD). Giải thưởng sẽ được chia đều, nếu có nhiều hơn một người được vinh danh.