Giải mã về nguồn thu tài chính của Hamas

Thuế, tiền điện tử, tiền quyên góp và thậm chí cả tiền từ Israel được cho là đã giúp Hamas duy trì hoạt động.

Chú thích ảnh
Các tay súng người Palestine thuộc Lữ đoàn Ezz-Al Din Al-Qassam, cánh vũ trang của phong trào Hamas. Ảnh: AFP

Theo tờ The National (UAE) mới đây, Israel và các nước phương Tây đang nỗ lực phong tỏa mạng lưới tài chính quốc tế của Hamas kể từ ngày 7/10 năm ngoái, với hy vọng ngăn chặn khả năng tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo của nhóm này.

Là một tổ chức bị Mỹ và EU liệt vào danh sách “khủng bố”, Hamas bị loại khỏi việc nhận viện trợ chính thức mà Mỹ và EU cung cấp cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Bờ Tây bị chiếm đóng.

Trước khi tiếp quản Dải Gaza vào năm 2007, Hamas chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ từ Iran, các nhà tài trợ nhà nước khác bao gồm Syria và Sudan, cũng như các tổ chức từ thiện bao gồm các chiến dịch gây quỹ cộng đồng, với một phần tiền được gửi bằng tiền điện tử.

Sau khi kiểm soát Gaza, Hamas xây dựng nguồn thu bằng cách đánh thuế đối với các mặt hàng được vận chuyển qua mạng lưới đường hầm rộng khắp, bỏ qua cửa khẩu chính thức ở biên giới Ai Cập với Gaza.

Nhóm trên cũng áp đặt thuế đối với dân thường và các công ty ngoài việc thu phí đăng ký phương tiện, giấy phép, điện, nước và giấy khai sinh. Theo các chuyên gia, Hamas thu được khoảng từ 350 triệu đến 630 triệu USD mỗi năm thông qua việc đánh thuế, kiểm soát biên giới và các công cụ khác liên quan đến việc kiểm soát dải đất trên.

Jessica Davis, Chủ tịch tổ chức “Insight Threat Intelligence” của Canada, cho biết trong một báo cáo về nguồn tài chính của Hamas, thuế chiếm phần lớn nhất trong nguồn thu của lực lượng này.

Tiếp theo là các khoản quyên góp từ Qatar, trị giá 180 triệu USD, Iran (100 triệu USD) và các khoản đầu tư (20 triệu USD). Kể từ khi thành lập vào năm 1987, Hamas là một trong những lực lượng nhận tài trợ lớn từ Iran, với việc Tehran hỗ trợ tài chính, vũ khí và huấn luyện.

Các chuyên gia cho biết sự hỗ trợ của Iran dao động từ 70 triệu USD đến 120 triệu USD hàng năm. Bà Davis nêu rõ: “Iran cung cấp những khoản tiền này thông qua Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và những khoản tiền này có thể được cung cấp trực tiếp cho cánh vũ trang của Hamas, Lữ đoàn Ezzedine Al Qassam”.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nước ủng hộ mạnh mẽ khác của Hamas và không coi đây là một nhóm khủng bố. Brian Nelson, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính, cho biết vào tháng 11 năm ngoái rằng Ankara từ lâu đã đóng một “vai trò nổi bật” trong việc cho phép Hamas tiếp cận các quỹ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bác bỏ áp lực ngày càng tăng của Mỹ nhằm cắt đứt mối quan hệ lịch sử của Ankara với Hamas sau vụ tấn công ngày 7/10/2023 vào Israel.

Đối với Qatar, nước này bắt đầu thực hiện hỗ trợ hàng tháng từ năm 2018 cho Dải Gaza, cung cấp hàng triệu USD – với sự chấp thuận của Israel – để trả lương cho nhân viên, cung cấp viện trợ nhân đạo và điều hành các dịch vụ xã hội ở Gaza.

Các khoản hỗ trợ bắt đầu sau khi Chính quyền Palestine ở Bờ Tây quyết định cắt giảm lương của nhân viên chính phủ ở Gaza vào năm 2017.

Trong bài phát biểu tại Đại học Valladolid ở Tây Ban Nha gần đây, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borell cho biết Israel đã tài trợ cho việc thành lập Hamas trong nỗ lực làm suy yếu Chính quyền Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ cáo buộc rằng Chính phủ nước này đã có nhiều năm hỗ trợ Hamas ở Gaza. 

Các chuyên gia nói với tờ The National rằng Qatar đã cho phép chuyển hàng triệu đô la Mỹ cho các tổ chức từ thiện có liên kết với Hamas.

Chú thích ảnh
Người dân Palestine phải rời bỏ nhà cửa theo lệnh của Israel tại thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza ngày 26/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hamas đầu tư tiền như thế nào?

Hamas đa dạng hóa quỹ của mình bằng cách đầu tư vào các dự án kinh doanh, một chiến lược giúp che giấu nguồn gốc và nơi lưu trữ tài chính.

Theo các chuyên gia, danh mục đầu tư của Hamas bao gồm khoảng 40 công ty, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản ở các quốc gia trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Algeria và Sudan.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, văn phòng đầu tư Hamas có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nắm giữ tài sản trị giá hơn 500 triệu USD, giám sát việc quản lý danh mục đầu tư hàng ngày.

Hamas cũng dựa vào nhiều trung gian để thực hiện các hoạt động tài chính một cách bí mật cho nhóm và hệ thống tài chính phi chính thức của tổ chức này, như các sàn đổi tiền, được sử dụng để chuyển tiền.

Tiền điện tử cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển tiền của Hamas. Matthew Levitt, Giám đốc Chương trình Reinhard về Chống khủng bố và Tình báo tại Viện Washington, cho biết: “Hamas sử dụng tiền điện tử phần lớn không phải để tạo ra tiền mà chủ yếu là phương tiện chuyển tiền cho các chiến dịch gây quỹ cộng đồng".

Chuyên gia Davis cũng nhận xét: “Số tiền được chuyển có thể rất lớn, với một số ước tính cho biết Hamas đã nhận được 41 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 8/2021 đến tháng 6/2023, thường thông qua các khoản quyên góp”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Sau gần 3 tháng xung đột, 80% đường hầm của Hamas vẫn nguyên vẹn
Sau gần 3 tháng xung đột, 80% đường hầm của Hamas vẫn nguyên vẹn

Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) ngày 28/1 dẫn nguồn tin là quan chức Mỹ và Israel cho biết sau 114 ngày xung đột, gần 80% hệ thống đường hầm của lực lượng tại Dải Gaza vẫn nguyên vẹn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN