Giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt sau khi nguồn cung bị gián đoạn

Hôm 27/4, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng vọt sau khi Nga tuyên bố ngắt nguồn cung khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria, do các quốc gia này từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Getty Images

Đài RT (Nga) dẫn nguồn dữ liệu từ sàn giao dịch ICE của London cho biết, vào sáng ngày 27/4, giá hợp đồng khí đốt kỳ hạn giao vào tháng 5 trên trung tâm TTF có trụ sở tại Hà Lan đã tăng 1.374 USD/1.000 m3, tương đương với gần 125 USD/megawatt giờ (MWh) - theo mức giá hộ gia đình.

Trước đó, Tập đoàn năng lượng khổng lồ và nhà xuất khẩu khí đốt lớn của Nga Gazprom cho biết họ đã ngắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan, sau khi 2 quốc gia này không thanh toán các khoản mua khí đốt trong tháng 4 bằng đồng nội tệ của Nga. Theo Gazprom, việc đình chỉ nguồn cung sẽ có hiệu lực cho đến khi Moskva nhận được các khoản thanh toán bằng đồng rúp.

Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu các nước “không thân thiện” phải thanh toán mua khí đốt bằng đồng rúp. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả cuộc xung đột ở Ukraine đã hạn chế nghiêm trọng khả năng thực hiện các giao dịch bằng USD và euro của Moskva. 

Theo đó, Moskva sẽ ngừng hợp đồng nếu các khoản thanh toán không được thực hiện bằng đồng nội tệ của nước này. Hầu hết các nước EU đều từ chối chấp nhận yêu cầu này. Trong số các nước thành viên, cho đến nay chỉ có Áo và Hungary đồng ý thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Ngoài ra, Đức cũng có khả năng chấp nhận mua khí đốt của Nga theo yêu cầu này.

Trong động thái mới nhất, hôm 27/4, Thủ tướng Karl Nehammer tuyên bố Áo sẽ chấp nhận cơ chế thanh toán khí đốt mới bằng đồng rúp do Nga đưa ra và sẽ tuân theo cơ chế này.

“Công ty năng lượng quốc gia OMV đã chấp nhận các điều khoản thanh toán này. Tuy nhiên, quá trình thanh toán phải tuân theo các điều khoản của lệnh trừng phạt. Đối với chúng tôi, điều này rất quan trọng”, ông Nehammer nói trong một cuộc họp báo và nhấn mạnh Áo vẫn ủng hộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. “Áo tuân thủ quan điểm và ủng hộ các biện pháp trừng phạt chung của EU”, ông lưu ý.

Theo quan chức này, Công ty dầu khí OMV của Áo đã mở tài khoản tích hợp với ngân hàng Nga để thực hiện các giao dịch thanh toán khí đốt từ nước này. Thủ tướng Nehammer cho biết trong chuyến công du gần đây tới Moskva , Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích về cơ chế thanh toán mới và đảm bảo với ông về nguồn cung cấp khí đốt đầy đủ hơn nữa.

Chú thích ảnh
Logo Công ty dầu khí OMV của Áo. Ảnh: Getty Images

Yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp đã khiến những khách hàng mua khí đốt của Nga bối rối. Họ lo ngại sẽ phải trả tiền cho mặt hàng này bằng đồng nội tệ của Nga. Tuy nhiên, theo yêu cầu mới, khách hàng vẫn có thể thanh toán khí đốt bằng đơn vị tiền tệ mà họ lựa chọn, nhưng sẽ phải mở tài khoản bằng đồng rúp tại ngân hàng Gazprombank, để chuyển đổi các khoản thanh toán thành đồng rúp đến tay các nhà cung cấp khí đốt của Nga.

Ba Lan và Bulgaria là hai quốc gia đầu tiên bị Nga cắt nguồn cung khí đốt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tương tự hầu hết các nước thành viên EU, Ba Lan và Bulgaria phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong đó, Bulgaria phụ thuộc tới 90%.

Liên minh châu Âu đã cáo buộc Nga sử dụng khí đốt như một “công cụ tống tiền” sau động thái này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng cho biết EU đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và lên kế hoạch cho một phản ứng phối hợp của khối. 

Hải Vân/Báo Tin tức
Lý do Đức tuyên bố sắp độc lập với năng lượng Nga
Lý do Đức tuyên bố sắp độc lập với năng lượng Nga

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, từng được coi là tác nhân chính phản đối lệnh trừng phạt năng lượng Nga, cùng với Hungary, vì lo ngại gây nguy hiểm cho nền kinh tế của họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN