Giá đường có thể tạo vị đắng cho bầu cử sắp tới tại Indonesia

Giá đường tại Indonesia đang trở thành vấn đề nóng được quan tâm bởi nó có tác động không hề nhỏ tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2019 với nhà lãnh đạo Joko Widodo dự kiến tái tranh cử.

Trong tháng 12, một đoàn đại biểu Ấn Độ đã đến Jakarta để thảo luận về việc bán đường thô cho Indonesia. Sự kiện này diễn ra sau khi Tổng thống Joko Widodo hồi tháng 11 tuyên bố nâng hạn ngạch nhập khẩu đường của Indonesia.

Chú thích ảnh
Người lao động vận chuyển đường nhập khẩu tại Semarang. Ảnh: AFP

Giữ giá thành thực phẩm ở mức thấp luôn là yếu tố then chốt để giành sự ủng hộ của cử tri trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Indonesia. Tổng thống Joko Widodo hy vọng sẽ thắng cử nhiệm kỳ hai ở cuộc bầu cử tới.

Ông Siwage Dharma Negara tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận xét: “Đó là cuộc chơi công bằng. Chính phủ muốn điều tiết lợi ích của cả người sản xuất và người tiêu dùng. Vấn đề phức tạp nằm ở chính trị. Tăng mạnh giá một số mặt hàng thực phẩm cơ bản có thể ảnh hưởng tới việc tái tranh cử của ông Widodo”.

Indonesia là quốc gia nhập khẩu đường lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Nâng hạn ngạch nhập khẩu sẽ góp phần tăng nhu cầu đối với người tiêu dùng địa phương. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết dưới thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Widodo, nền kinh tế Indonesia đã tăng trưởng 5% hàng năm và có nhu cầu cao về sử dụng thực phẩm chế biến sẵn.

Để theo kịp tình trạng này, trong 10 năm qua, lượng đường nhập khẩu vào Indonesia đã tăng gấp đôi. Năm 2017, gần một nửa số đường tiêu thụ tại Indonesia được sản xuất trong nước. Hiện tại nông dân trồng mía tại Indonesia lại muốn bán sản phẩm ở thị trường nội địa với mức giá cao hơn. Chính phủ Indonesia cũng đặt mức giá sàn cho đường để đảm bảo sản xuất nội địa, nhưng nhiều nông dân yêu cầu mức giá tối thiểu cần phải được tăng thêm.

Hãng thông tấn Bulog (Indonesia) đánh giá quyết định cho phép nhập khẩu thêm đường đã ổn định mức giá của gia vị này ở mức 1 USD/kg. Tuy nhiên, các đối thủ của ông Widodo lại coi đây là bằng chứng cho thấy chính phủ của ông này ưu tiên người tiêu dùng và bỏ qua lợi ích của người nông dân.

Điều đáng chú ý nữa là nó xoáy mạnh vào thất bại trong mục tiêu tự cung thực phẩm của Indonesia. Kể từ khi độc lập đến nay, mục tiêu tự cung tự cấp của Indonesia nhiều lần thất bại và điều này đã trở thành vấn đề chính trị đáng quan tâm, đặc biệt trong những năm bầu cử. Đối thủ tiềm năng của ông Widodo trong cuộc bầu cử sắp tới là cựu tướng quân đội Prabowo Subianto đã công bố ý tưởng khiến Indonesia thịnh vượng hơn, trong đó bao gồm tự lực trong thực phẩm và năng lượng.

Ông Siwage Dharma Negara tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) phân tích: “Tất nhiên việc tự cấp mọi loại thực phẩm là bất khả thi nên Indonesia cần lựa chọn. Hầu hết thời gian chỉ đơn giản đi theo nhu cầu của cử tri. Nếu người tiêu dùng bắt đầu biểu tình thì chính phủ sẽ nói: Đây là mặt hàng then chốt”.

Chú thích ảnh
Một cánh đồng trồng mía tại Indonesia. Ảnh: Reuters

Sản xuất đường từng đóng vai trò nền tảng trong hệ thống nông nghiệp Indonesia. Hiện tại ở Indonesia có 63 nhà máy đường hoạt động, hầu hết do doanh nghiệp quốc doanh quản lý. Trong đó, 11 nhà máy được hiện đại hóa để xử lý đường thô nhập khẩu. Tuy nhiên, 40 nhà máy đã hoạt động hơn 100 năm nay.

Nhà phân tích Stefan Uhlenbrock tại công ty phân tích FO Licht (Anh) cho rằng: “Vấn đề trong ngành này không liên quan đến nhập khẩu. Tất cả các nhà máy đường đều hoạt động dưới công suất. Khi chính phủ đặt mục tiêu đạt đến tự cung tự cấp thì không có ai trong ngành mía đường Indonesia xem xét nghiêm túc".

Năm 2012, Bộ Công nghiệp Indonesia đã tìm biện pháp để hồi sinh ngành công nghiệp mía đường bằng cách nâng cấp hệ thống máy móc, nhưng ít doanh nghiệp sẵn sàng tạm ngưng sản xuất để thực hiện cải tiến.

Trong hội nghị an ninh lương thực năm 2015, Tổng thống Widodo cho rằng Indonesia có thể đạt mục tiêu tự cung tự cấp trong 5 năm tới, và để đạt được điều đó, cần đầu tư vào các dự án tưới tiêu và phát triển nông nghiệp trong thời gian ông lãnh đạo Indonesia. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa thể đạt được.

Nhà nghiên cứu Hizkia Respatiadi cho rằng cả hai ứng viên trong cuộc bầu cử sắp tới là ông Widodo và Prabowo nên có trao đổi trực tiếp với người nông dân trong thời gian vận động tranh cử.

Hà Linh/ Báo Tin tức
Phong trào Áo vàng chiếm đường cao tốc Pháp, đốt trạm thu phí
Phong trào Áo vàng chiếm đường cao tốc Pháp, đốt trạm thu phí

Tình trạng người biểu tình Pháp phong tỏa đường cao tốc và đốt phá các trạm thu phí đã gây thiệt hại hàng chục triệu USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN