Trong những ngày gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã ra tín hiệu về khả năng can thiệp để ứng phó với tình trạng biến động quá mức trên thị trường ngoại hối, cho rằng biến động tiền tệ sẽ phản ánh các nền tảng kinh tế. Trong khi đó, đồng USD được ưa chuộng nhờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn dự kiến khi các dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang vững chắc. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tăng lãi suất vào tháng 3 nhưng vẫn ở mức khoảng 0%, để lại khoảng cách lãi suất lớn giữa hai quốc gia.
Đồng yen tiếp tục giảm giá khi 1 ngày trước đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về tình trạng các đồng nội tệ của 2 nước mất giá nhanh chóng trong thời gian gần đây. Theo giới kinh doanh, việc tuần trước, Mỹ đã đưa Nhật Bản trở lại danh sách theo dõi thao túng tiền tệ cũng làm dấy lên suy đoán rằng các cơ quan chức năng có thể gặp khó khăn hơn nếu muốn can thiệp thị trường tiền tệ. Chính quyền Nhật Bản đã làm như vậy sau khi USD tăng lên 160,24 yen vào ngày 29/4, mức cao nhất trong 34 năm. Dù không có số liệu chi tiết hằng ngày nhưng Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết đã chi khoảng 9.790 tỷ yen (61 tỷ USD) từ ngày 26/4 đến ngày 29/5 để kiềm chế đà giảm giá nhanh chóng của đồng nội tệ so với đồng USD.
Hiện nay, các hộ gia đình Nhật Bản vẫn đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt ngày tăng giá, phần lớn là do đồng yen yếu hơn khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang tìm cách thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm giảm lạm phát.