Đại diện Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi các nạn nhân Quentin Guillemain cho rằng bài trả lời phỏng vấn của Giám đốc điều hành Lactalis Emmanuel Besnier ngày 13/1 không mang lại các thông tin cần thiết. Công chúng muốn biết chỗ sữa nhiễm độc hiện đang ở đâu, đã bị tiêu hủy hay đã được tiêu thụ. Bên cạnh đó, Lactalis cũng cần công bố rõ ràng thời điểm xảy ra vụ nhiễm độc tại nhà máy Craon miền Tây nước Pháp.
Trụ sở Hãng sữa Lactalis ở Laval, miền tây Pháp ngày 12/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi các nạn nhân đã có cuộc gặp với đại diện chính phủ trong ngày 15/1 và từ chối các khoản bồi thường của Lactalis, cáo buộc hãng này đang tìm cách dùng tiền để mua chuộc các nạn nhân.
Trước đó, trả lời phỏng vấn với tạp chí Journal du Dimanche của Pháp, Giám đốc của Lactalis cho biết hơn 12 triệu hộp sữa nghi nhiễm khuẩn salmonella tại 83 quốc gia trên đã được thu hồi, do đó các nhà phân phối sẽ không còn phải phân loại và sàng lọc để xác định những sản phẩm nào bị nhiễm khuẩn. Ông Besnier cũng cam kết sẽ bồi thường cho tất cả những gia đình bị ảnh hưởng.
Hiện hàng trăm gia đình trên toàn nước Pháp đã khởi kiện Lactalis trong khi hàng trăm gia đình khác cũng đang chuẩn bị các thủ tục để đưa hãng sữa này ra tòa trong những ngày tới. Cho tới nay, giới chức Pháp cho biết có khoảng 35 trường hợp được xác nhận nhiễm khuẩn salmonella sau khi sử dụng các sản phẩm sữa công thức của Lactalis. Tuy nhiên, ông Guillemain cho rằng con số trên chưa đầy đủ và cho tới nay cũng chưa thể xác định chính xác số nạn nhân trên thực tế.
Hồi tháng 12/2017, Lactalis thông báo thu hồi các sản phẩm sữa của hãng được sản xuất tại nhà máy ở Craon sau khi phát hiện sự tồn tại của khuẩn salmonella tại nơi sản xuất. Sau đó, Lactalis đã tiến hành hai đợt thu hồi lớn với tất cả sản phẩm sản xuất tại nhà máy này từ ngày 15/2/2017. Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ gồm các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị, nhà thuốc trong tuần qua thừa nhận họ vẫn tiếp tục bán các sản phẩm trong diện ảnh hưởng thậm chí sau khi đã có lệnh thu hồi.