Cơ quan y tế Ghana cho biết các ca mắc mới là những người tiếp xúc gần với 2 trường hợp được xác nhận trước đó. Hai trường hợp đầu tiên được xác nhận mắc sốt Lassa vào ngày 26/2 và một người đã tử vong. 13 trường hợp còn lại đều trong tình trạng ổn định và đang được chăm sóc tại các cơ sở y tế được chỉ định.
Các cơ quan chức năng Ghana cũng đã xác định được tổng cộng 97 người có tiếp xúc với những người mắc bệnh và công tác truy vết tiếp xúc vẫn đang được tiến hành.
Dựa trên những nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sốt Lassa là căn bệnh do nhiễm một loại virus cùng họ với các virus như Marburg và Ebola. Sự lây lan của dịch bệnh này thường thông qua sự bài tiết của loài gặm nhấm (nhất là chuột); qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất bài tiết hoặc các chất dịch cơ thể khác của người nhiễm bệnh. Dịch bệnh nguy hiểm trên bùng phát lần đầu tiên hồi năm 1969 tại thị trấn Lassa, miền Bắc Nigeria. Sau đó, sốt Lassa đã trở thành bệnh đặc hữu ở 5 quốc gia Tây Phi.
Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi, sốt Lassa lây nhiễm cho khoảng từ 100.000 đến 300.000 người ở châu Phi mỗi năm, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người. Đáng chú ý, sốt Lassa thường gây sảy thai, có thể truyền từ mẹ sang con và virus này thường tồn tại trong sữa mẹ đến 6 tháng. Triệu chứng sốt Lassa thường nhẹ và không chẩn đoán được đối với khoảng 80% trường hợp mắc bệnh, song 20% số người mắc bệnh còn lại có thể tiến triển nặng, bao gồm chảy máu nướu răng, mắt hoặc mũi, có thể bị suy hô hấp, mất thính giác, thậm chí có thể tử vong trong vòng 2 tuần do suy đa tạng. Hiện Ribavirin là loại thuốc kháng virus được chỉ định để điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Lassa.