Đây là dấu hiệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng cá nhân ở Nhật Bản có thể đã không đủ mạnh để giúp nền kinh tế nước này tránh khỏi nguy cơ giảm tốc sâu hơn.
Theo Bộ Thương mại Nhật Bản, doanh số bán lẻ trong tháng 9/2018 của nước này tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo tăng 1,6% mà giới phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra trước đó. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức tăng 2,7% của tháng Tám. Đà tăng này chủ yếu được dẫn dắt bởi giá xăng cao và doanh số bán máy công cụ (máy cái) đi lên đáng kể, cùng với hoạt động mua thực phẩm và đồ uống trong tháng Chín cũng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, doanh số bán ô tô và doanh số bán lẻ trực tuyến lại sụt giảm.
Chi tiêu tiêu dùng cá nhân, chiếm khoảng 60% hoạt động kinh tế của Nhật Bản, là yếu tố chính trong nỗ lực của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) nhằm đưa lạm phát lên mức mục tiêu 2%. BoJ sẽ phân tích số liệu trên và một số báo cáo kinh tế sắp tới bao gồm sản lượng chế tạo và tỷ lệ thất nghiệp tại cuộc họp chính sách tuần này.
Các số liệu đó sẽ được tổng hợp để đánh giá mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2018, dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 14/11 tới. Một số chuyên gia kinh tế kỳ cựu tại BNP Paribas Securities dự báo GDP của Nhật Bản trong quý III/2018 có thể sụt giảm 0,1%, sau khi tăng trưởng ấn tượng 3% trong quý trước đó - mức mạnh nhất kể từ năm 2016.
Lạm phát giá tiêu dùng lõi trong tháng 9/2018 của Nhật Bản tăng 1%, mức tăng mạnh nhất trong bảy tháng qua và chủ yếu nhờ giá dầu tăng lên. Điều này đặt ra thách thức đối với nỗ lực bảo đảm giá tiêu dùng của nước này nhích lên đều đặn.