“Bạn biết đấy, không có gì là không thể. Chúng ta đang nói về những lượng khí đốt mà chúng ta đã mất do các hành động khủng bố quốc tế nhằm vào mạng lưới đường ống Nord Stream. Khối lượng này khá đáng kể”, ông Miller trả lời trong một cuộc phỏng vấn phát trên kênh truyền hình Nga ngày 16/10 khi được hỏi liệu nguồn khí đốt mà Nga thường cung cấp qua các đường ống Nord Stream có thể được chuyển hướng qua cơ sở hạ tầng đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Mạng lưới đường ống Nord Stream 1 và 2 (Dòng chảy phương Bắc 1 và 2) có khả năng bơm 110 tỷ m3 khí đốt tự nhiên của Nga sang Đức qua biển Baltic đã hư hại nghiêm trọng vào tháng trước sau một cuộc tấn công bị nghi là hành vi phá hoại. Sự cố xảy ra trong bối cảnh châu Âu đang chuẩn bị cho một mùa đông giá lạnh và Brussels có những động thái từ bỏ năng lượng Nga.
Ngày 12/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra đề xuất biến Thổ Nhĩ Kỳ thành trung tâm cung ứng khí đốt lớn nhất châu Âu và cho biết Moskva sẽ sẵn sàng triển khai ý tưởng này nếu Liên minh châu Âu (EU) quan tâm. Hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong ngày 13/10, Tổng thống Putin cho biết việc xây dựng mạng lưới đường ống thứ hai, bên cạnh hệ thống TurkStream, trung chuyển qua trung tâm ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp hạ giá khí đốt cao ngất ngưởng và đưa thị trường ổn định trở lại.
Hệ thống TurkStream trị giá 11,5 tỷ USD có khả năng vận chuyển 31,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm đến Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống này được xây dựng để thay thế cho dự án Dòng chảy phương Nam ngừng xây dựng từ năm 2014 do các biện pháp trừng phạt của châu Âu. Hệ thống Dòng chảy phương Nam dài 2.380 km qua Biển Đen với giá trị dự án 20 tỷ USD ban đầu được cho là có công suất dẫn lên tới 63 tỷ m3/năm, đưa khí đốt sang trung tâm cung ứng Bulgaria và từ đây sẽ phân phối đến Hy Lạp, Italy, Serbia, Hungary, Slovenia và Áo.