Gazprom không đảm bảo Dòng chảy phương Bắc 1 vận hành suôn sẻ

Ngày 13/7, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết không thể đảm bảo hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ vận hành tốt và không biết liệu Canada có trả lại tua-bin khí được gửi đến nước này để sửa chữa hay không.

Chú thích ảnh
Trạm tiếp nhận của đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 trên biển Baltic. Ảnh minh họa: Sputnik

Từ ngày 11/7, Gazprom đã bắt đầu quá trình bảo trì Dòng chảy phương Bắc 1, trong khi EU, đặc biệt là Đức, được cho là đang căng thẳng chờ đợi liệu các đường ống dẫn có hoạt động trở lại. Hiện các tua-bin khí đang được bảo dưỡng tại một nhà máy ở Canada của hãng Siemens (Đức).

Trong thông báo mới, Gazprom cho biết không nhận được bất kỳ tài liệu nào thông báo về việc cho phép Siemens đưa các tua-bin khí ra khỏi Canada. Trong hoàn cảnh đó, Gazprom không thể đưa ra kết luận khách quan nào về những diễn biến tiếp theo và đảm bảo trạm trung chuyển Portovaya sẽ hoạt động an toàn. Nhà máy này là một cơ sở trọng yếu của Dòng chảy phương Bắc 1.

Cuối tuần qua, Canada thông báo đã nhất trí miễn trừ một số biện pháp trừng phạt Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine để tạo điều kiện đưa tua-bin khí trở lại Đức. Ukraine đã phản đối động thái này và triệu đại sứ Canada tại Kiev đến để làm việc. Dù kế hoạch bảo trì hệ thống đường ống dẫn khí đốt đã được ấn định từ lâu nhưng ngày càng nhiều lo ngại rằng những căng thẳng giữa Nga và EU liên quan các biện pháp trừng phạt sẽ khiến quá trình này kéo dài, gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

* Trong một diễn biến khác, Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) thông báo chính thức dừng hợp tác với Nga trong sứ mệnh đưa một tàu thăm dò lên Sao Hỏa. Quyết định này vấp phải sự phản đối từ phía đối tác Nga và các nhà du hành của nước này đang làm việc trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) cũng được lệnh không sử dụng một cánh tay robot do phía châu Âu chế tạo.

Trước đó, do căng thẳng liên quan cuộc xung đột tại Ukraine, ESA cũng đã tạm dừng hợp tác với Nga trong sứ mệnh ExoMars, trong đó các tên lửa do Nga chế tạo được sử dụng để đưa tàu thăm dò Rosalind Franklin của châu Âu lên Sao Hỏa để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống. 

Ngày 12/7, chia sẻ trên Twitter, Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher cho biết vì ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan tiếp tục gia tăng, ESA sẽ chính thức cắt đứt mọi hợp tác với Nga trong dự án ExoMars. Sau thông báo trên, Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ LB Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin cho biết các nhà khoa học Nga trên ISS sẽ dừng sử dụng ERA, một trong 3 cánh tay robot trên ISS có chức năng hỗ trợ di chuyển các hàng hóa bên trong và bên ngoài trạm, vận chuyển người.

Kế hoạch triển khai ExoMars đã bị hoãn một lần vào năm 2020 vì lý do dịch bệnh và kế hoạch tiếp theo vào tháng 9 tới tiếp tục bị hoãn do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine. Hồi tháng trước, lãnh đạo ESA từng thông báo đang thảo luận tích cực với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) về việc đưa tàu thăm dò của châu Âu lên Sao Hỏa và bày tỏ tin tưởng sẽ có thể hợp tác tốt với cơ quan của Mỹ.

Lê Ánh (TTXVN)
Đức tăng cường tích trữ máy sưởi điện đề phòng không khí đốt vào mùa Đông
Đức tăng cường tích trữ máy sưởi điện đề phòng không khí đốt vào mùa Đông

Thiếu khí đốt đặt ra câu hỏi về các ưu tiên giữa ngành công nghiệp và nhu cầu sưởi ấm của người dân Đức. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN