Gay cấn cuộc đua điện gió nổi ngoài khơi

Các quốc gia đang phát triển công nghệ sản xuất có thể sản xuất điện gió ở những vùng nước có độ sâu lớn hơn nữa. Gió ngoài khơi đã trở thành một yếu tố chính trong sản xuất năng lượng tái tạo.

Chú thích ảnh
Trang trại gió ngoài khơi bờ biển Redcar, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhưng cho đến nay, hoạt động sản xuất điện gió hầu như chỉ giới hạn ở vùng nước nông, hạn chế số lượng quốc gia có thể tận dụng lợi thế của loại hình năng lượng này.

Tuy vậy, tình hình trên có thể sớm thay đổi nhờ những trang trại điện gió nổi ngoài khơi. Công nghệ này bao gồm một tuabin gắn trên một cấu trúc phụ nổi và được neo vào đáy biển bằng dây xích.

Điều này có nghĩa là hoạt động sản xuất điện gió ngoài khơi có thể được triển khai ở những vùng biển có độ sâu từ 300 mét trở lên, so với hệ thống lắp tuabin truyền thống dưới đáy biển, vốn trở nên không kinh tế ở độ sâu hơn 60 mét. Vì cho phép sản xuất gió ở vùng nước sâu hơn nên công nghệ này dự kiến sẽ mang năng lượng gió đến các thị trường mới, bao gồm cả Địa Trung Hải. Các chuyên gia hy vọng công nghệ này sẽ hoàn toàn được thương mại hóa vào cuối thập kỷ này.

Ông Lorenzo Palombi, Giám đốc tài chính và thương mại toàn cầu của các dự án tại công ty năng lượng BayWa r.e. có trụ sở tại Đức, cho biết: “Điện gió nổi ngoài khơi đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Theo số liệu từ Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu, châu Âu hiện đang dẫn đầu về điện gió nổi. Châu Âu mất danh hiệu thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới vào năm 2022 khi Mỹ và Trung Quốc vượt qua khu vực này. Tuy nhiên, châu Âu vẫn giữ vị trí hàng đầu về điện gió nổi ngoài khơi, chiếm 79% số lượng công suất tăng thêm trong năm ngoái.

Châu Âu có công suất điện gió lên tới 208 megawatt (MW), tương đương 88% công suất điện gió lắp đặt toàn cầu. Phần lớn trong số này đến từ các dự án thí điểm nhỏ, nhưng các quốc gia đang bắt đầu xem xét việc tăng cường sản xuất lên cấp độ thương mại.

Pháp đang phát triển trang trại điện gió nổi thương mại đầu tiên trên thế giới. Dự án Pennavel sẽ được xây dựng ngoài khơi vùng Brittany và dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2031. Dự kiến, dự án này sẽ sản xuất 250 MW đủ cung cấp điện cho 450.000 người mỗi năm.

Trong khi đó, Vương quốc Anh đặt mục tiêu đạt sản lượng điện gió ngoài khơi 5 GW vào năm 2030 và đang tiến hành với sự hỗ trợ của chính phủ cho các dự án. Trong số những cái tên nổi bật khác có Na Uy, quốc gia đã có những dự án thí điểm về điện gió nổi ngoài khơi, cũng như Ireland (Ai-len) và các nước Địa Trung Hải.

Về phần mình, các nước châu Á cũng đang chú trọng nghiên cứu và triển khai những dự án sản xuất điện gió nổi ngoài khơi. Vào tháng 10/2023, Chính phủ Nhật Bản đã công bố bốn khu vực có tiềm năng cho các dự án thí điểm và gần đây là Marubeni. Tập đoàn Phát triển Gió Ngoài khơi đã công bố một dự án thí điểm với hai tuabin ở vùng nước sâu khoảng 400 mét.

Hàn Quốc cũng có rất nhiều tiềm năng và đang đầu tư phát triển để trở thành một trong những quốc gia có các trang trại điện gió nổi lớn nhất thế giới khi hoàn thành xây dựng chúng vào năm 2028. Theo bà Rebecca Williams, một lãnh đạo của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu, quốc gia này cũng đang chứng kiến những bước phát triển tích cực liên quan tới hoạt động sản xuất và đầu tư cảng.

Ạnh Quân  (TTXVN)
Chính phủ Lào 'bật đèn xanh' cho dự án điện gió 1.200 MW ở miền Trung
Chính phủ Lào 'bật đèn xanh' cho dự án điện gió 1.200 MW ở miền Trung

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, Chính phủ Lào vừa ký Thỏa thuận phát triển dự án điện gió có công suất lên tới 1.200 MW tại huyện Sepon, thuộc tỉnh Savannakhet (Trung Lào), giáp giới với Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN