Trả lời phỏng vấn tờ The Star, ông Wong Choy Sim, chủ một nhà hàng Trung Quốc nổi tiếng ở Tapah cho biết: “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển chi phí tăng thêm cho khách hàng”.
Ông giải thích rằng nếu người kinh doanh quán ăn muốn duy trì hoạt động thì thực khách cần phải trả nhiều tiền hơn để dùng bữa.
Nhà nhập khẩu gạo Padiberas Nasional cho biết hôm 1/9, giá gạo trắng đã tăng lên 3.200 ringgit/tấn từ mức 2.350 ringgit/tấn do các yếu tố như biến đổi khí hậu, đồng ringgit yếu, chi phí vận hành đắt đỏ và xung đột trong khu vực.
Điều này sẽ khiến người tiêu dùng phải trả thêm khoảng 85 xu Malaysia (hơn 4.000 đồng) cho mỗi kg gạo trắng nhập khẩu.
Chủ nhà hàng Nasi Kandar Arsyad, ông Mohd Arsyad Azarin ước tính giá một bữa ăn có thể tăng ít nhất từ 50 xu đến 80 xu, khi chi phí của các nguyên liệu khác cũng tăng theo. Chẳng hạn, thịt gà, thịt bò, rau củ và những nguyên liệu cần thiết để làm món cà ri đều đã tăng lên.
“Chúng tôi hiện phải gánh phần chi phí phát sinh đó, nhưng liệu chúng tôi sẽ duy trì được bao lâu nữa?”, ông Azarin nói.
Ông Habib Shahul Hameed, người sở hữu một nhà hàng ở Kelana Jaya, mặc dù chưa vội tăng giá bán cho khách hàng nhưng vẫn tỏ ra nhiều lo âu
“Giá của tất cả các mặt hàng thực phẩm khác đều đang tăng. Và bây giờ, với giá gạo tăng cao, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với cả chủ nhà hàng và khách hàng”, ông Hameed lưu ý.
Theo ông, chính phủ Malaysia nên đưa ra nhiều biện pháp trợ cấp giá cả hơn hoặc tăng sản lượng gạo.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Người tiêu dùng Malaysia N. Marimuthu cho biết chính phủ nên triển khai các kế hoạch tăng cường trồng lúa trong nước để đạt được mục tiêu tự cung tự cấp, thay vì phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Người tiêu dùng Malaysia khẳng định chính sách lương thực của nước này là không bền vững.
“Chi phí nhập khẩu thực phẩm đã tăng từ 55 tỷ ringgit đến 60 tỷ ringgit. Nếu chính phủ hiện nay không giải quyết các vấn đề an ninh lương thực thì việc kiểm soát và giám sát giá cả sẽ không có tác dụng”, ông nói thêm.
Malaysia không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với tình trạng giá gạo tăng. Các nước xuất khẩu chủ chốt khác, trong đó có Thái Lan, đã chứng kiến giá tăng 20%.
Tình trạng hỗn loạn này xảy ra sau khi Ấn Độ - nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới - cấm xuất khẩu nhiều loại gạo vào tháng 7, khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt. Các thương nhân lo ngại rằng một số nước xuất khẩu có thể đưa ra biện pháp hạn chế tương tự nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Do đó, các công ty nhập khẩu gạo đang phải cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung.