Theo kênh CNN, các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm tìm kháng thể COVID-19 trong mẫu máu của 5.000 người tại thủ đô Jakarta từ 15 đến 31/3. Kết quả vừa được công bố vào ngày 10/7 cho thấy có đến 44,5% mẫu máu xuất hiện kháng thể. Điều này đồng nghĩa với việc họ đã mắc COVID-19 trước đó.
Đây là nghiên cứu được 4 đơn vị thực hiện, bao gồm Văn phòng Y tế tỉnh tại Jakarta, Khoa sức khỏe cộng đồng của Đại học Indonesia, Viện Sinh học Phân tử Eijkman và các nhân viên thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) làm việc tại Indonesia.
Dân số tại Jakarta là 10,6 triệu người. Theo các nhà nghiên cứu, tính đến 31/3, rất có thể 4,7 triệu người đã mắc COVID-19 trong khu vực.
“Qua cuộc khảo sát này, chúng tôi có thể ước tính tỷ lệ người dân tại Jakarta nhiễm virus SARS-CoV-2”, hãng thông tấn Antara dẫn phát biểu của ông Widyastuti – người đứng đầu Văn phòng Y tế tỉnh tại Jakarta – trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 10/7.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia, tính đến 31/3, thủ đô Jakarta ghi nhận trên 382.000 ca mắc COVID-19. Đến 13/7, con số đã nhảy vọt lên 689.243 người. Là một trong những ổ dịch COVID-19 tồi tệ nhất châu Á, Indonesia đang phải vật lộn đối phó với làn sóng đại dịch mới khi ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới và 1.000 trường hợp tử vong mỗi ngày.
Các bệnh viện trên toàn quốc, đặc biệt là trên đảo Java có thủ đô Jakata – hiện đứng trước nguy cơ sụp đổ vì thực trạng quá tải. Một số thành phố đã ban hành lệnh phong tỏa một phần.
Kết quả mới nhất của các nhà nghiên cứu dường như cũng trùng khớp với sự lo ngại của các chuyên gia y tế khi cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Indonesia có thể nghiêm trọng hơn so với những gì được chính thức ghi nhận.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh không nên chủ quan khi cho rằng tỷ lệ người mắc COVID-19 cao tại Jakarta đồng nghĩa với việc thủ đô sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
“Tại một thành phố có tính lưu động trong khu vực cao như Jakarta, rất khó để đạt được miễn dịch cộng đồng”, các nhà nghiên cứu nói thêm vẫn nên tập trung tiêm vaccine cho người dân để ngăn chặn virus lây lan.
Hiện Indonesia đã hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 5,5% dân số. Theo số liệu của Bộ Y tế, tại Jakarta, trên 195 triệu người – tương đương 18% số dân – đã nhận đủ hai liều tiêm.
Trong cuộc họp báo ngày 9/7, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết toàn bộ nhân viên y tế sẽ được tiêm liều vaccine tăng cường của hãng dược phẩm Moderna. Lô hàng đầu tiên của loại vaccine này đã tới Indonesia vào cuối tuần qua.