Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên tham gia đàm phán giữ vững tinh thần xây dựng trong các giai đoạn tiếp theo để giúp đảm bảo thực hiện đầy đủ và chấm dứt vĩnh viễn các cuộc giao tranh.
Thỏa thuận ngừng bắn bao gồm việc trao đổi con tin Israel lấy tù nhân Palestine, đang chờ sự phê duyệt của Nội các an ninh Israel trước khi có hiệu lực, sau đó các điều khoản chấm dứt xung đột vĩnh viễn sẽ được đàm phán.
Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty kêu gọi Israel và phong trào Hamas không nên trì hoãn thời gian thực hiện kế hoạch ngừng bắn ở Gaza, đồng thời gia tăng áp lực lên Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để chấp nhận thỏa thuận này.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Moskva ủng hộ mọi thỏa thuận dẫn đến lệnh ngừng bắn tại Gaza, qua đó chấm dứt những đau thương, mất mát đối với người dân ở vùng đất này.
Trước đó, nhiều nước khu vực Trung Đông như Liban, Libya, Jordan, Saudi Arabia (Ảrập Xêút)… cũng đã ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận này, đồng thời hối thúc các bên liên quan sớm thực hiện và tuân thủ thỏa thuận này.
Thỏa thuận được các bên trung gian là Qatar, Mỹ và Ai Cập công bố ngày 15/1, bao gồm việc tạm ngừng giao tranh tại Gaza và dẫn đến việc thả các con tin của Israel và tù nhân Palestine theo từng giai đoạn.
Ông Netanyahu đã ra lệnh triệu tập Nội các an ninh của Israel vào ngày 17/1, sau đó chính phủ sẽ nhóm họp để thông qua thỏa thuận. Nếu được phê chuẩn, lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/1.
Theo Chính phủ Israel, Hamas và các đồng minh của nhóm này hiện vẫn giữ hơn 90 con tin bị bắt cóc từ Israel trong các cuộc tấn công vào ngày 7/10/2023, với ít nhất 34 người trong số đó đã thiệt mạng.
Israel phát động cuộc chiến với Hamas tại Gaza để đáp trả các cuộc tấn công của nhóm vũ trang người Palestine vào tháng 10/2023 khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin. Kể từ đó, chiến dịch quân sự của Israel đã làm ít nhất 46.565 người Palestine ở Gaza thiệt mạng, hơn 100.000 người khác bị thương.