G7 cam kết bổ sung 9,5 tỷ USD cho Ukraine

Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết hỗ trợ bổ sung 9,5 tỷ USD cho Ukraine. Quyết định này đã được các bộ trưởng tài chính G7 đưa ra ngày 20/5 tại hội nghị tổ chức ở thành phố Koenigwinter thuộc bang Nordrhein-Westfalen của Đức.

Chú thích ảnh
Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine, ngày 28/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn thông cáo kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 cho biết với khoản tiền bổ sung 9,5 tỷ USD nêu trên, kể từ đầu năm tới nay, G7 đã cam kết dành cho Kiev tổng cộng 19,8 tỷ USD nhằm hỗ trợ Ukraine trang trải các khoản chi tiêu, cũng như giúp đảm bảo cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân nước này. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khoản tiền bổ sung sẽ được cung cấp cho Ukraine dưới dạng viện trợ không hoàn lại hay các khoản cho vay ưu đãi.

Đức trước đó đã công bố khoản hỗ trợ không hoàn lại trị giá 1,1 tỷ USD (tương đương 1 tỷ euro) cho Ukraine.

Cùng ngày 20/5, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí sẽ nhóm họp vào ngày 30/5 tới để thảo luận việc thiết lập một quỹ giúp tái thiết Ukraine khi xung đột kết thúc. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ khoản tiền tái thiết sẽ đến từ nguồn nào.

Theo một đề xuất ngày 20/5, Ủy ban châu Âu (EC) mong muốn thiết lập quỹ tái thiết Ukraine trên cơ sở các khoản viện trợ và cho vay với quy mô chưa xác định. Chương trình này có sự tham gia của Chính phủ Ukraine, các nước thành viên EU cũng như các đối tác, các thể chế và tổ chức tài chính. Giới chuyên gia nhận định chương trình tái thiết Ukraine này của EU còn nhiều điểm mơ hồ về số tiền huy động cũng như không cho biết liệu chương trình có buộc EU phải chấp nhận thêm các khoản vay chung mới hay không.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhấn mạnh Berlin bác việc có thêm bất kỳ khoản vay chung nào của EU nhằm giúp trang trải chi phí khổng lồ cho việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Tuyên bố này được đưa ra sau khi một số quan chức hàng đầu châu Âu đề nghị EU tạo ra một khoản nợ chung để giúp tái thiết Ukraine, giống như việc EU đã vay tiền trên thị trường tài chính để thiết lập quỹ hỗ trợ các nền kinh tế khu vực phục hồi sau đại dịch COVID-19. 

Các nhà kinh tế ước tính chi phí tái thiết Ukraine sẽ dao động từ 524 tỷ - 2.100 tỷ USD (tương đương 500 tỷ euro đến 2.000 tỷ euro), tùy thuộc vào thời gian kéo dài chiến tranh hay mức độ bị phá hủy. Tuy nhiên, với quy mô tài chính lớn như vậy, EU cũng đang xem xét tịch thu số tài sản bị đóng băng của Nga ở EU làm nguồn tài chính cho Ukraine.

Trong ngày 20/5, EU tiếp tục giải ngân thêm 600 triệu euro trong khoản tín dụng trị giá 1,2 tỷ euro đã cam kết cho Ukraine. Khoản 600 triệu euro đầu tiên đã được EU chuyển cho Ukraine trong tháng 3/2022. Trong tuần qua, EC cũng đã đề xuất cung cấp bổ sung khoản tín dụng lên tới 9 tỷ euro cho Ukraine trong năm nay. Kể từ đầu cuộc chiến tranh tới nay, EU đã hỗ trợ Ukraine tổng cộng 4,1 tỷ euro, ngoài khoản tài trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự trị giá 1,5 tỷ euro

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Italy Daniele Franco thông báo nước này sẽ cho Ukraine vay 200 triệu euro (211 triệu USD) giúp Kiev thanh toán các hóa đơn. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cho hay chính phủ nước này sẽ cung cấp cho Ukraine một khoản vay mới trị giá 195 triệu USD qua các tài khoản do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quản lý. Hiện tổng hỗ trợ tài chính Ottawa dành cho Kiev đã lên tới 1,3 tỷ USD.

Mạnh Hùng (TTXVN)
G7 tái khẳng định cam kết về tỷ giá hối đoái và nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh
G7 tái khẳng định cam kết về tỷ giá hối đoái và nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh

Ngày 20/5, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết sẽ giám sát chặt chẽ thị trường sau những biến động gần đây, đồng thời tái khẳng định các cam kết đã đưa ra về tỷ giá hối đoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN