Tạp chí Forbes dẫn thông tin từ Lực lượng Không quân Ukraine cho biết trong 10 ngày (17 - 26/2), họ đã bắn hạ 10 máy bay chiến đấu của quân đội Nga và 9 trong số đó là Su-34 và Su-35, những loại chiến đấu cơ tốt nhất trong biên chế quân đội Nga. Chiếc còn lại là máy bay cảnh báo sớm hiếm hoi A-50.
Đây có lẽ là lần đầu tiên người Nga bị mất một số lượng máy bay chiến đấu nhiều như vậy trong hơn một tuần và chiếc máy bay thứ thứ 9, 10 của Nga bị bắn hạ đều là Su-34 và ở chiến trường miền Đông, trong đó một chiếc bị bắn hạ vào buổi sáng và một chiếc vào chiều 26/2.
Theo Forbes, do bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của nước ngoài sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, ngành hàng không vũ trụ Nga đang phải vật lộn để sản xuất khoảng vài chục chiếc máy bay chiến đấu mới mỗi năm. Cho nên, “tất cả những gì có thể nói là người Nga đang mất đi những chiếc máy bay phản lực nhanh gấp 20 lần tốc độ họ có thể thay thế chúng”, tờ tạp chí nhấn mạnh.
Không rõ làm thế nào mà người Ukraine có thể bắn hạ được nhiều máy bay phản lực như vậy trong hơn một tuần. Có thể một số bệ phóng tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất đã được lực lượng Không quân Ukraine giao cho các nhóm tác chiến phòng không cơ động và họ đã nhanh chóng di chuyển chúng đến gần chiến tuyến dài 600 dặm (hơn 965 km) trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vốn đã kéo dài hơn hai năm, phục kích các chiến đấu cơ của Nga rồi nhanh chóng cơ động đi chỗ khác để tránh bị phản công.
Nhưng khoảng cách mà người Ukraine bắn hạ chiếc máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga vào hôm 23/2 lên tới 120 dặm (hơn 193 km), cho thấy vụ này có liên quan tới một hệ thống tên lửa khác có tầm bắn xa hơn bởi hệ thống tên lửa phòng không Patriot mà Ukraine nhận được là PAC-2 chỉ có tầm bắn 90 dặm (hơn 144 km). Cho nên, Ukraine có thể đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-200 cổ điển thời Chiến tranh Lạnh. Nếu đúng, nó cho thấy Ukraine đang quay lại sử dụng dòng tên lửa cổ điển mà Liên Xô từng thiết kế để tiêu diệt các máy bay cỡ lớn và bay chậm.
Xem video ghi lại khoảnh khắc được cho là của chiếc A-50 bùng lên thành quả cầu lửa hôm 23/2/2024. Nguồn: Telegram/Mykola Oleshchuk
Nhưng cũng có một vấn đề đối với người Ukraine. Tối 27/2, đài RT của Nga đã đăng tải nhiều đoạn phim trực tuyến cho thấy không ít phương tiện quân sự mà Kiev nhận được từ các nhà tài trợ nước ngoài bị phá hủy.
Theo một số đoạn phim trực tuyến mới được công bố, quân đội Nga đã phá hủy một số mẫu hiếm về khí tài quân sự do phương Tây cung cấp cho Ukraine, bao gồm tổ hợp phòng không NASAMS do Na Uy sản xuất.
Việc phá hủy tổ hợp phòng không NASAMS đã được Bộ Quốc phòng Liên bang Nga xác nhận hôm 26/2. Trong tuyên bố của mình, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga nói rằng bệ phóng NASAMS đã bị phá hủy ở vùng Zaporizhzhia (Zaporozhye).
Theo Forbes, rõ ràng là người Ukraine đã di chuyển một số khẩu đội tên lửa đất đối không NASAMS có tầm bắn khoảng 25 dặm (hơn 40 km) đến gần tiền tuyến hơn, nhưng người Nga đã phát hiện và phá hủy nó bằng tên lửa.
Một rủi ro khác lớn hơn là hệ thống tên lửa phòng không Patriot và NASAMS sử dụng tên lửa do Mỹ chế tạo trong khi đó, từ tháng 12 năm ngoài, Mỹ đã không cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine ngay sau khi các đảng viên Cộng hoà tại Hạ viện Mỹ chặn một cuộc bỏ phiếu về viện trợ thêm cho Ukraine.
Nói cách khác, Ukraine cuối cùng có thể sẽ sớm cạn kiệt những quả tên lửa phòng không tốt nhất của mình.
Xem video trực tuyến cho rằng ngày 26/2/2024, quân đội Nga đã phá hủy tổ hợp phòng không NASAMS do Na Uy sản xuất. Nguồn: RT/ANA News
Nhưng đó là vấn đề tương lai. Hiện tại, Nga đã giành được những ưu thế nhất định trên chiến trường.
Ngày 17/2, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng Nga đã chiếm hoàn toàn Avdiivka, đánh dấu việc giành được chiến thắng mang tính biểu tượng lớn nhất của Moskva kể từ giữa năm ngoái.
Tiếp đó, với sức ép tiến công của Nga, các lực lượng của Ukraine phải rút khỏi các làng Sievierne và Stepove gần Avdiika. Việc này đã được người phát ngôn quân đội Ukraine Dmytro Lykhoviy xác nhận vào ngày 27/2.
Forbes cho rằng có thể Nga nhận thấy cơ hội từ việc các đơn vị đồn trú của Ukraine sắp hết đạn, cho nên, Không quân Nga triển khai nhiều phi vụ hơn, tiến gần đến tiền tuyến hơn, ném bom lượn nhằm trấn áp quân Ukraine để quân Nga có thể tiến về phía trước.
Theo Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine, Nga đã vượt qua nỗi sợ hãi khi sử dụng không quân trực tiếp trên chiến trường. Dù việc này dẫn đến rủi ro máy bay của Nga bị bắn hạ, nhưng lực lượng mặt đất của họ lại có được lợi thế đáng kể về hỏa lực.
Xem clip ghi lại cảnh hai chiếc máy bay của Nga, gồm A-50 và Il-22 biến mất khỏi màn hình radar hôm 15/1/2024. Nguồn: Facebook/Valerii Zaluzhny
Sự gia tăng các phi vụ của Không quân Nga khiến lực lượng phòng không Ukraine có nhiều mục tiêu hơn. Vì vậy, tất nhiên là họ bắn hạ được nhiều máy bay Nga hơn, trong đó đáng chú ý là việc bắn hạ máy bay cảnh báo sớm A-50.
Không quân Nga được cho là có khoảng 9 máy bay cảnh báo sớm A-50 đang hoạt động. Chúng được tổ chức thành ba nhóm bay ở phía Nam, phía Đông và phía Bắc, mỗi nhóm gồm ba chiếc máy A-50. Mục đích là phủ sóng cảm biến trên khắp Ukraine.
Tới nay, Ukraine tuyên bố đã bắn hạ hai chiếc A-50, một chiếc vào tối 23/2 và một chiếc vào hôm 15/1. Như vậy, Ukraine đã loại bỏ 1/3 phạm vi phủ sóng của lực lượng A-50, tạo ra những điểm mù khiến phi công Nga có thể gặp khó khăn trong việc phát hiện tên lửa đang đến gần.
Nói cách khác, Ukraine càng bắn hạ nhiều máy bay cảnh báo sớm A-50, phi công Nga càng khó phát hiện các vụ tấn công bằng tên lửa.
Diễn biến trên chiến trường cho thấy lực lượng phòng không Ukraine dường như cố gắng sử dụng số tên lửa Patriot và NASAMS cuối cùng của mình để làm suy yếu lực lượng Không quân Nga, nhằm ngăn chặn các đợt ném bom gia tăng trong tương lai.
Về phần mình, Không quân Nga đặt mục tiêu ném bom thêm các đơn vị đồn trú của Ukraine để giúp lực lượng mặt đất mở rộng khu vực kiểm soát trước khi các phi đội Sukhoi kiệt sức vì thiếu máy bay và phi hành đoàn giàu kinh nghiệm.