Cuối tuần qua, nhiều nội dung đăng trên các trang mạng xã hội Facebook và Twitter cho rằng các quan chức chính phủ Mỹ hoặc một số nước khác đã bí mật tạo ra virus corona hoặc được cấp phép phát triển virus này. Trong đó, một nội dung đăng trên Twitter đã được chia sẻ khoảng 5.000 lần trên trang mạng xã hội này tính đến ngày 27/1. Các bên thứ ba kiểm chứng thông tin khẳng định đây là những thông tin giả và trên thực tế các nhà nghiên cứu đã tạo ra những chuỗi gien cho những chủng virus khác.
Một số tin giả khác phát tán thông qua những nhóm kín trên Facebook được lập sau khi những thông tin đầu tiên về chủng virus corona mới xuất hiện. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu khó có thể theo dõi những nhóm riêng tư này trong thời gian thực. Chẳng hạn, bài viết với tựa đề “Tinh dầu kinh giới tỏ ra hiệu quả trong phòng chống virus corona” đã được chia sẻ ít nhất 2.000 lần trong nhiều nhóm. Thực tế, bài gốc đã được đăng tải trên một trang mạng chăm sóc sức khỏe toàn diện cách đây 10 năm. Các nhà khoa học khẳng định loại tinh dầu này không có tác dụng chữa bệnh do virus corona mới gây ra.
Có hơn 1.100 người dùng Facebook đã tham gia nhóm “Theo dõi cảnh báo virus corona”. Các thành viên trong nhóm trao đổi những giả thuyết xung quanh sự lây lan của virus cùng với những đường dẫn kết nối đến những địa chỉ mua mặt nạ và những thiết bị y tế khác.
Ngoài ra, những bài đăng còn liên kết với những video trên Youtube, trong đó có đoạn video dài 11 phút nói rằng virus corona mới đã khiến 180.000 người tử vong tại Trung Quốc, đồng thời đưa ra những phương pháp điều trị sai cách. Nội dung sai lệch của video này đã thu hút hơn 20.000 lượt xem.
Một số video tung tin giả khác cũng xuất hiện trên trang mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới. Trong đó, 1 video với hơn 430.000 lượt xem đưa ra những thông tin đáng ngờ về nguồn gốc của virus corona mới và cách thức lây lan của chủng virus này.
Nhằm đối phó với tình trạng trên, Facebook cho biết những ngày gần đây, 7 tổ chức cộng tác với Facebook đã công bố 9 bản kiểm chứng thông tin và phát hiện hàng loạt tin giả liên quan đến chủng virus corona. Facebook thông báo đã dán nhãn những thông tin thiếu chính xác và đẩy bài viết xuống dưới trang hiển thị bài đăng hằng ngày của người dùng.
Trong khi đó, Twitter khuyến nghị những người sử dụng mạng ở Mỹ tìm kiếm những hashtag của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) liên quan đến chủng virus corona. Đại diện Twitter nêu rõ các chính sách cấm người dùng mạng phối hợp với những ý đồ tung tin giả.
Tương tự, Youtube cho biết đang đầu tư mạnh nhằm nâng cao nội dung đáng tin cậy, theo đó ưu tiên hiển thị những nguồn tin đáng tin cậy đồng thời giảm thông tin giả phát tán trên trang chia sẻ video này.
Lâu nay, các công ty Facebook, Google và Twitter phải chật vật xóa bỏ những tin giả về y tế đăng tải trên mạng xã hội, trong đó có những bài viết, ảnh và video khiến nhiều người hoang mang về tác dụng của vaccine. Hiện 3 "đại gia công nghệ" của Mỹ này đang đối mặt với thách thức lớn trong bối cảnh đại dịch có nguy cơ bùng phát khi đã có hơn 100 người tử vong và hàng nghìn người nhiễm bệnh viêm phổi do virus corona mới tại Trung Quốc.