Theo danh sách được công bố trên tạp chí chính thức của EU, trong số những cá nhân và tổ chức bị đóng băng tài sản và cấm thị thực bao gồm các Bộ trưởng Nội vụ, An ninh, Tài chính, Tài nguyên thiên nhiên và Giao thông vận tải.
Với con số bổ sung trên, hiện danh sách trừng phạt của EU đối với các cá nhân và tổ chức của Myanmar lên tới 35 kể từ khi khối này tuyên bố các biện pháp trừng phạt hồi tháng 3 vừa qua. Cùng ngày, Anh cũng bổ sung 3 thực thể của Myanmar vào danh sách trừng phạt của nước này.
Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ sau cuộc chính biến hôm 1/2 dẫn đến việc quân đội nước này lên nắm quyền. Nhiều cuộc biểu tình và đụng độ đã nổ ra khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Hiện ASEAN đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao sau khi Myanmar rơi vào bế tắc chính trị. Cuối tháng 4 vừa qua, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra tại Jakarta (Indonesia) đã đạt đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại, và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN.