Một số quốc gia EU ngày 9/11 đã bày tỏ quan điểm ủng hộ kế hoạch của CH Síp (Cyprus) cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza bằng đường biển, mặc dù kế hoạch này vẫn còn một số trở ngại, chủ yếu là về tính khả thi của việc “đổ bộ” an toàn số lượng hàng hóa lớn tại các cơ sở cảng nhỏ bé của Gaza.
Tổng thống Síp, Nikos Christodoulides, đã trình bày đề xuất của đất nước ông về việc mở hành lang hàng hải nhằm giúp cung cấp thêm viện trợ cho Dải Gaza tại Diễn đàn Hòa bình Paris do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức.
Chỉ cách khu vực xung đột 210 hải lý (khoảng 400km), Síp là quốc gia EU gần Gaza nhất và đang tự coi mình là vùng đệm tự nhiên để thu gom và kiểm tra các chuyến hàng đến Gaza.
Ý tưởng then chốt ở đây là tăng cường cứu trợ nhân đạo cho Dải Gaza bằng cách đưa tới một số lượng hàng hoá lớn bằng tàu biển, thay vì số lượng hạn chế hiện đang được đưa bằng xe tải qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập, cửa khẩu trên bộ duy nhất còn kết nối với Gaza.
Theo các quan chức Síp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, cũng như lãnh đạo một số quốc gia bao gồm Pháp, Bỉ, Croatia và Jordan đã ủng hộ kế hoạch này. Hy Lạp và Hà Lan cho biết họ sẽ cung cấp hỗ trợ thiết thực cho việc thực hiện kế hoạch. Tuy vậy, Sáng kiến Amalthea chắc chắn cần phải được Israel bật đèn xanh, bởi họ sẽ là bên muốn kiểm tra hàng hóa để tìm vũ khí hoặc hàng hóa bất hợp pháp khác có thể tuồn vào dải đất của người Palestine.
Một số nhà ngoại giao đã bày tỏ lo ngại về an ninh và những vấn đề thực tế khác, đặc biệt là việc thiếu một cảng lớn và an toàn ở Gaza.
Sáng kiến Amalthea
Sáng kiến Amalthea (được đặt theo tên mẹ nuôi của thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp) phác thảo cách thu thập viện trợ nhân đạo tại một trung tâm hoạt động có trụ sở tại thành phố Larnaca phía Nam Síp, nơi có cảng và sân bay, và đã có sẵn một trung tâm điều phối đang hoạt động, với sự tham gia của 33 quốc gia.
Theo sáng kiến trên, viện trợ sẽ được thu gom, kiểm tra và lưu trữ tại Síp, sau đó được gửi đến Gaza trên các tàu được một ủy ban hỗn hợp bao gồm cả Israel kiểm tra hàng ngày. Các tàu này sẽ được tàu chiến hộ tống đến một địa điểm được chỉ định trên bờ biển Gaza, từ đó tàu hàng sẽ được đưa đến khu vực trung lập, an toàn.
Theo tuyên bố của Tổng thống Síp Christodoulides, “một kế hoạch cụ thể để thực hiện sáng kiến này đã được chuẩn bị với các giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn cũng như các thỏa thuận kỹ thuật”. Ông Christodoulides nói thêm rằng đây là “một đề xuất khả thi, được xây dựng kỹ lưỡng và có thể góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo” ở Gaza.
“Đề xuất của người Síp đã được cân nhắc kỹ lưỡng’, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis bình luận tại hội nghị ở Paris.
Khía cạnh khó khăn nhất là xác định bãi đáp hàng phù hợp ở phía Nam Gaza, tạo ra cơ sở hạ tầng cảng cần thiết và đảm bảo an toàn cho tuyến đường, điều này đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan.
Ông Mitsotakis nói thêm rằng nếu những điều kiện này được đáp ứng, Hy Lạp sẽ sẵn sàng hỗ trợ bằng tàu hải quân.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cảng ở ngoài khơi Gaza từng bắt đầu vào năm 2016 nhưng bị bỏ dở. Và ý tưởng tạo ra một bến cảng nổi đã được nối lại tại Diễn đàn Hòa bình Paris.
Pháp cũng đề nghị mở rộng hành lang để sơ tán những người bị thương nặng từ Gaza lên các tàu bệnh viện nổi ở Địa Trung Hải.
Một quan chức cấp cao của Israel cho biết mọi giải pháp đều phải phối hợp chặt chẽ với Israel, và hàng hoá cứu trợ chỉ được bao gồm nước, thực phẩm, thuốc men mà không có nhiên liệu. Quan chức này nói thêm rằng Israel cũng đang thảo luận về ý tưởng bệnh viện nổi vì năng lực của các bệnh viện ở Gaza còn hạn chế.
Quan chức Israel cho biết: “Israel quan tâm đến việc tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo. Nhưng vấn đề kỹ thuật và việc chuyển giao đã được kiểm tra và chưa được quyết định. Nếu có nhu cầu nhiều hơn, chúng tôi đang xem xét tất cả các phương án để tăng nguồn cung.”