Theo EU, EUMA gồm khoảng 100 người, trong đó có khoảng 50 quan sát viên không có vũ trang. Sáng kiến này do Armenia đề nghị và nhằm mở rộng hoạt động của một phái bộ gồm 40 người mà đã được EU triển khai trong 2 tháng cuối năm ngoái. Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan cho rằng EUMA "đóng vai trò trong việc giảm leo thang và thiết lập ổn định và cuối cùng đem lại hòa bình cho khu vực".
Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan căng thẳng liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này. Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp. Hồi tháng 5/2022, hai nước thông báo đã thành lập một ủy ban phân định biên giới và động thái này được đánh giá là bước đi hướng tới việc sớm chấm dứt tranh chấp khu vực Nagorny-Karabakh.
Mới đây, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết nước này đã hoàn tất dự thảo thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan và đã gửi dự thảo này cho Baku cũng như các quốc gia thành viên của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Thủ tướng Pashinyan nhấn mạnh điều này cho thấy đã có tiến bộ nhất định trong đàm phán với Azerbaijan. Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 18/2 cho biết Baku đang "nghiên cứu" các đề xuất của Armenia.