Đây là bước đi nằm trong khuôn khổ quản trị kinh tế mới của EU, triển khai từ tháng 4/2024, nhằm đảm bảo tính bền vững tài chính và thúc đẩy tăng trưởng thông qua các biện pháp cải cách và đầu tư chiến lược.
Trong gói chính sách này, Ủy ban châu Âu (EC) đề cập việc triển khai Quy trình thâm hụt quá mức đối với tám quốc gia thành viên, gồm Bỉ, Pháp, Hungary, Italy, Malta, Ba Lan, Romania và Slovakia. Các quốc gia này được yêu cầu giảm mức thâm hụt ngân sách xuống dưới ngưỡng 3% GDP theo Hiệp ước ổn định và tăng trưởng. Nếu không đáp ứng các yêu cầu này trong thời gian quy định, họ có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính.
Gói chính sách tài khóa mới còn bao gồm việc đánh giá kế hoạch ngân sách trung hạn của các quốc gia thành viên EU. Theo EC, 20 trong số 22 kế hoạch được đệ trình đã đáp ứng các yêu cầu đảm bảo mức nợ trong nước ở mức thận trọng hoặc giảm dần. Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách của Hà Lan bị đánh giá là vi phạm các khuyến nghị của EU khi chi tiêu ròng trung bình dự kiến trong giai đoạn 2025-2028 vượt quá mức trần 3,2% do EU đề ra. Chính phủ Hà Lan đã lập luận rằng các cải cách cơ cấu đã thực hiện đủ để đảm bảo chi tiêu không vượt quá giới hạn, song EU yêu cầu nước này phải thực hiện các biện pháp cắt giảm ngay lập tức.
Phát biểu tại Strasbourg, Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni nhấn mạnh rằng mặc dù dự báo tăng trưởng sẽ phục hồi nhờ nhu cầu nội địa và lạm phát hạ nhiệt nhưng các nền kinh tế EU vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn do căng thẳng địa chính trị và bất ổn xã hội. Báo cáo của Ủy ban cũng chỉ ra rằng việc phục hồi sau cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến xung đột Nga - Ukraine đã khiến nợ công và thâm hụt ngân sách của nhiều quốc gia có thể tăng cao hơn nữa.
Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ công bố chi tiết các khuyến nghị trong phần hai của Gói Chính sách mùa thu trong những tuần tới, bao gồm chiến lược tăng trưởng bền vững hàng năm và báo cáo cơ chế cảnh báo. Đây là bước đi quan trọng nhằm tăng cường tính minh bạch và nhất quán trong chính sách tài khóa, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ của các quốc gia thành viên trong quản lý tài chính công, giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.