Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ các tổ chức cứu trợ sẽ không cần xin cấp phép từ các nước thành viên EU để chuyển hàng hóa và dịch vụ cứu trợ cho các thực thể nằm trong danh sách bị trừng phạt tại Syria. Quyết định này, có hiệu lực trong 6 tháng, được đưa ra sau khi cân nhắc mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại Syria sau thảm họa động đất.
Thảm họa động đất xảy ra ngày 6/2 đã khiến trên 42.000 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và trên 3.600 người thiệt mạng ở Syria. EU nhấn mạnh rằng khối này và các nước thành viên đang đi đầu trong công tác cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria, theo đó từ năm 2011 đã đóng góp tổng cộng 27,4 tỷ euro (26 tỷ USD) cho nước này và các nước tiếp nhận người tị nạn như Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi xảy ra thảm họa động đất, EU đã hỗ trợ 3,5 triệu euro để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp tại Syria.
Từ năm 2011, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Chính phủ Syria và các doanh nghiệp được cho là liên quan chính quyền nước này. Đến nay có 291 cá nhân và 70 thực thể của Syria bị hạn chế đi lại và đóng băng tài sản trong các ngân hàng của EU.
Liên quan hoạt động hỗ trợ Syria, Bộ Ngoại giao Jordan ngày 23/2 thông báo Tổ chức từ thiện Jordan Hashemite (JHCO) đã điều động một đoàn xe gồm 14 xe tải chở thuốc men, thực phẩm, chăn màn và nước uống tới Syria để giúp khắc phục hậu quả động đất. Hàng hóa viện trợ sẽ được chuyển đến các khu vực bị tàn phá ở Syria qua hệ thống vận chuyển xuyên biên giới.
Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, tối 23/2, tỉnh Hatay tiếp tục hứng chịu một trận động đất có độ lớn 5. Cơ quan xử lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tâm chấn của trận động đất này ở độ sâu 9,76 km. Chưa ghi nhận thông tin thương vong trong trận động đất mới nhất này.
Trước đó, tối 20/2, tỉnh này cũng hứng chịu trận động đất có độ lớn 6,4 khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và trên 200 người bị thương.
Hatay là một trong 10 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa động đất hôm 6/2 và hiện đang nỗ lực khắc phục hậu quả.