Sau cuộc đàm phán kéo dài suốt đêm, các nhà đàm phán thuộc 27 nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí áp đặt giới hạn cường độ phát thải khí methane đối với các nhiên liệu hóa thạch mà các nhà sản xuất nước ngoài xuất khẩu sang châu Âu. Văn kiện này cũng bao gồm các quy định mới yêu cầu ngành sản xuất than đá, khí đốt và dầu mỏ phải đo lường, báo cáo và đánh giá lượng khí methane phát thải. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất khí đốt và dầu mỏ tại châu Âu buộc phải giám sát và khắc phục sự cố rò rỉ khí methane trong hoạt động khai thác. Quy định mới này sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu và cần sự phê chuẩn lần cuối của các nước thành viên EU.
Trong tuyên bố, Hội đồng Liên minh châu Âu nhấn mạnh luật trên buộc các nhà xuất khẩu dầu khí vào châu Âu phải có nghĩa vụ giám sát, báo cáo và xác minh việc phát thải khí methane từ nay đến ngày 1/1/2027 và cường độ phát thải khí methane tối đa từ nay đến năm 2030.
Các quy định nhập khẩu mới được dự báo sẽ tác động đến các nhà cung cấp khí đốt lớn như Mỹ, Algeria và Nga. Sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu từ năm ngoái, Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn nhất của châu Âu. Na Uy là một trong những quốc gia khai thác nhiên liệu hóa thạch với cường độ phát thải khí methane thấp nhất thế giới.
Khí methane là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra biến đổi khí hậu sau khí CO2 và trong ngắn hạn, khí này khiến nhiệt độ Trái Đất tăng nhanh hơn. Việc cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải methane trong thập kỷ này được đánh giá là yếu tố quyết định nếu thế giới muốn giảm thiểu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.