EU đề ra 22 ưu tiên phát triển năng lực quốc phòng

Với kinh nghiệm đúc kết từ cuộc xung đột ở Ukraine, EU xác định 14 ưu tiên trên 5 lĩnh vực hoạt động quân sự (tác chiến đa miền: trên bộ, trên biển, trên không, trong không gian và mạng) cùng 8 ưu tiên liên quan đến hỗ trợ chiến lược.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AP

Theo mạng tin châu Âu Euractive.com, các bộ trưởng quốc phòng EU ngày 14/11 đã phê chuẩn việc tái thiết lập các ưu tiên phát triển năng lực quốc phòng (CDP) để phản ánh nhu cầu về thiết bị phòng thủ thông thường và chiến thuật chống máy bay không người lái, rút ra bài học từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Các Ưu tiên Phát triển Năng lực (CDP) quốc phòng đã được cuộc họp cấp bộ trưởng EU phê duyệt với tư cách là các thành viên ban chỉ đạo của Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA). Đây là phiên bản mới của một tài liệu được ban hành gần đây nhất vào năm 2018.

Với mục đích trở thành động lực cho tất cả các sáng kiến liên quan đến quốc phòng của EU, CDP muốn cung cấp cho các quốc gia thành viên một định hướng chung để điều chỉnh chiến lược chiến tranh và xác định các thiết bị quân sự để mua, phát triển hoặc nghiên cứu nhằm lấp đầy mọi khoảng trống.

"CDP nói về những gì chúng tôi cần và chúng tôi không có, những lỗ hổng ở đâu và chúng tôi nên đầu tư vào đâu, làm thế nào để giải quyết vấn đề đó?", đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell cho biết.

Kể từ năm 2018, môi trường an ninh của châu Âu đã thay đổi ồ ạt: một cuộc xung đột mới nổ ra ở Ukraine, các cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia làm rung chuyển vùng Kavkaz, tình trạng bất ổn âm ỉ ở Tây Balkan, các hoạt động của EU bị ảnh hưởng bởi những cuộc đảo chính ở khu vực Sahel. Trong bối cảnh đó, EU đã soạn thảo chiến lược an ninh đầu tiên, được gọi là "La bàn chiến lược".

EDA nêu rõ trong một thông cáo báo chí: “Những ưu tiên mới được thông qua cũng phản ánh các mục tiêu của La bàn chiến lược EU và thực tế quân sự được quan sát ở Ukraine, đặc biệt là việc đáp ứng yêu cầu tác chiến cường độ cao”.

Chú thích ảnh
EU xác định ưu tiên phát triển năng lực quốc phòng trong các lĩnh vực cả trên bộ, trên biển và không gian mạng. Ảnh: EDA

Những ưu tiên 

Theo báo cáo, 22 ưu tiên được xác định bao gồm 14 ưu tiên trên 5 lĩnh vực quân sự và 8 ưu tiên liên quan đến hỗ trợ chiến lược, rất cần thiết để phát triển Năng lực Triển khai Nhanh (RDC) mới của EU. 

Theo đó, để tăng cường khả năng trên bộ, các nước EU cần nâng cao khả năng chiến đấu trên mặt đất (ví dụ với xe tăng) và khả năng tấn công chính xác trên bộ, với những cải tiến về kho dự trữ đạn dược cỡ lớn, hệ thống chống tăng tiên tiến và khả năng phục hồi trước các mối đe dọa trên mạng. 

Cơ quan trên cũng liệt kê một số ưu tiên về phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp, tập trung vào việc nâng cấp các hệ thống phòng không hiện tại và phát triển các hệ thống thế hệ tiếp theo với những chiến thuật chống máy bay không người lái và cảnh báo sớm trên không gian.

Hậu cần linh hoạt cũng là một phần quan trọng trong các ưu tiên, với kho hàng và năng lực kho bãi chung để ứng phó với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, an ninh năng lượng, hỗ trợ y tế và phòng thủ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN). 

Ngoài ra, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng được xác định là một điểm then chốt, được đặt lên hàng đầu trong các ưu tiên giải quyết các sự cố như vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc và sự cố với các tuyến cáp quang ở Biển Baltic, cũng như khả năng cơ động quân sự để di chuyển lực lượng và thiết bị khắp lục địa một cách hiệu quả.

Với quan điểm tác chiến trên và dưới biển, ưu tiên mới của EU xác định cần có khả năng phòng thủ dưới nước và chống tàu ngầm bằng các phương tiện không người lái và hệ thống giám sát dưới biển, góp phần giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.

Danh sách ưu tiên trên thực sự đã tính đến các phương pháp và thiết bị được sử dụng chủ yếu trong cuộc xung đột cường độ cao ở Ukraine, nơi năng lực thông thường và công nghệ mới được kết hợp chặt chẽ với nhau, chẳng hạn như trong lĩnh vực máy bay không người lái.

Cuộc xung đột ở Ukraine cũng cho thấy nhu cầu tăng cường khả năng phòng không và bảo vệ tốt hơn các cơ sở hạ tầng quan trọng. EDA kết luận: “Bối cảnh xung đột ở Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp đa lớp, đa tầng cùng với sự tái cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh định tính và định lượng trong những lĩnh vực tác chiến trên bộ, trên biển, không gian mạng và hậu cần".

Công Thuận/Báo Tin tức
EU phác thảo lộ trình cho Gaza sau xung đột
EU phác thảo lộ trình cho Gaza sau xung đột

Lộ trình do EU dự thảo sẽ bao gồm 3 "Có" và 3 "Không” cho Gaza thời hậu xung đột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN