EU nhất trí nguyên tắc chung về việc hạn chế đi lại

Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19, ngày 13/10, các nước EU đã nhất trí một quy định chung liên quan đến việc hạn chế đi lại.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Bỉ tiến hành kiểm tra tại khu vực biên giới với Pháp ở Quevy, ngày 19/4/2020, trong bối cảnh nước này thực hiện lệnh hạn chế nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc họp ở Luxembourg, các ngoại trưởng đến từ 27 nước EU đã nhất trí với đề xuất, theo đó hàng tuần, Trung tâm quản lý và phòng chống dịch bệnh châu Âu sẽ công bố một bản đồ dịch bệnh EU, với các màu theo tín hiệu đèn giao thông gồm màu xanh lá cây, màu vàng và màu đỏ, cho thấy nguy cơ dịch bệnh tại mỗi khu vực. Việc chia màu này sẽ được quyết định dựa trên các yếu tố dịch tễ, trong đó có số ca nhiễm trên 100.000 người dân trong vòng 14 ngày, số lượng xét nghiệm và tỷ lệ các ca dương tính. Những khu vực không đủ dữ liệu sẽ được đánh dấu màu ghi. 

Những người đến từ khu vực có màu đỏ, vàng da cam hoặc màu xám có thể phải cách ly hoặc tiến hành xét nghiệm, trong khi những người đến từ khu vực màu xanh lá cây sẽ không phải thực hiện bất kỳ biện pháp nào. Các nước EU cũng sẽ không được từ chối những người đến từ các quốc gia thành viên nhập cảnh vào nước mình. 

Với số ca nhiễm đang ngày một gia tăng trên khắp châu Âu, chỉ có một số ít khu vực ở liên minh này được xác định màu xanh lá cây - khu vực có nguy cơ ít lây nhiễm nhất, được phép đi lại không hạn chế, gồm hầu hết khu vực miền Đông nước Đức, một phần các nước thuộc vùng Scandinavia và Baltic, một số khu vực ở Bulgaria, Hy Lạp và 1 vùng ở Italy. Tuy nhiên, quy định này không mang tính ràng buộc với các nước.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng các quy định viện trợ nhà nước cho đến giữa năm 2021. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm giúp các doanh nghiệp đối phó với các tác động do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Trong thông cáo báo chí, EC khẳng định đã quyết định gia hạn biện pháp này nhằm đáp ứng nhu cầu liên tục của các doanh nghiệp, cũng như bảo vệ thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, EC cũng đưa ra biện pháp mới để các nước thành viên hỗ trợ những công ty đang phải gánh chịu hậu quả. 

Đầu năm nay, EC cũng đã nới lỏng các quy định này đến ngày 31/12 với hy vọng có thể giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế.

Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế thế giới, trong đó có EU, do hầu hết các nước đều phải áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. 

Ngọc Hà (TTXVN)
COVID-19 tới 6 giờ sáng 13/10: Thế giới vượt 38 triệu ca bệnh; Châu Âu bùng đợt dịch mới
COVID-19 tới 6 giờ sáng 13/10: Thế giới vượt 38 triệu ca bệnh; Châu Âu bùng đợt dịch mới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 265.590 trường hợp mắc COVID-19 và 3.630 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 38 triệu người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN