Theo Politico.eu ngày 24/1, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đang phải nỗ lực xây dựng một mặt trận thống nhất đối phó Nga, trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ ở hậu trường về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và về một nhiệm vụ huấn luyện quân sự được đề xuất.
Khi các ngoại trưởng EU tập trung tại Brussels tham dự cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, sự chia rẽ cũng đã xuất hiện giữa EU và Mỹ về việc sơ tán các nhà ngoại giao khỏi Kiev.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh rằng 27 quốc gia thành viên và các đồng minh của họ hoàn toàn bế tắc về sự cần thiết phải áp dụng một gói trừng phạt cứng rắn đối với Nga trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vào Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Borrell nói: “Một phần của biện pháp răn đe là không cung cấp thông tin. Vì vậy, đừng lo lắng, các biện pháp sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp".
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavský cho biết có "sự thống nhất khá mạnh mẽ" xung quanh ý kiến rằng các biện pháp trừng phạt là công cụ mạnh nhất để giải quyết khả năng căng thẳng tiếp tục leo thang, nhưng "có nhiều ý kiến khác nhau" liên quan đến "biện pháp trừng phạt nào" và "ở mức nào”.
“Rõ ràng là một số quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn những quốc gia khác”, Ngoại trưởng Séc lưu ý và nói thêm rằng đây là một “cuộc tranh luận đang diễn ra”.
Bên cạnh đó, một số quan chức và nhà ngoại giao EU cũng bày tỏ sự khó chịu với Mỹ và Anh vì đã bắt đầu rút một số nhân viên ngoại giao và thành viên gia đình của họ khỏi Ukraine, gọi đây là một bước đi quá sớm khiến thị trường tài chính hoảng sợ và bất ổn.
Theo ông Borrell, các nước EU không thấy có lý do gì để rút các nhà ngoại giao của mình vào thời điểm này. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho biết: “Bộ trưởng Blinken đã nói với chúng tôi rằng đó không phải là một cuộc sơ tán”, gọi đó là “sự di chuyển tự do của những người không phải là nhân viên quan trọng”.
Ngoài ra, EU cũng có bất đồng về nhiệm vụ huấn luyện quân sự được đề xuất cho các sĩ quan. Đức, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha được cho là một trong những quốc gia chặn chương trình này.
Trong một nỗ lực nhằm nhấn mạnh sự ủng hộ của EU đối với Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 22/1 đã đề xuất một gói hỗ trợ kinh tế trị giá 1,2 tỷ Euro viện trợ kinh tế vĩ mô, dưới hình thức cho vay và 120 triệu Euro viện trợ không hoàn lại.
Trước đó, NATO thông báo rằng các đồng minh đang chuyển thêm tàu, máy bay chiến đấu, binh lính và các trang thiết bị khác đến sườn phía Đông như một phản ứng trước cuộc khủng hoảng với Nga.
“Nguy cơ xung đột vẫn là hiện thực và chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga giảm leo thang và chọn con đường ngoại giao”, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nói.