Điều gì khiến châu Âu e ngại cấm vận Nga vì vấn đề căng thẳng Ukraine?

Với lạm phát gia tăng và người tiêu dùng bị bào mòn bởi giá nhiên liệu tăng cao, giới chức Liên minh châu Âu (EU) đang rất cẩn trọng trước viễn cảnh áp lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Chú thích ảnh
Châu Âu lo ngại viễn cảnh xung đột ở Ukraine có thể sẽ làm cạn kiệt nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh: Bloomberg

EU là bên mất nhiều hơn Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột với Nga. Đó là lý do giải thích tại sao các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn gặp khó khăn trong tìm kiếm đồng thuận về một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Moskva liên quan đến vấn đề Ukraine.

Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm và là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của EU, trong khi Nga chỉ là đối tác thương mại xếp hạng tầm thứ 30 của Mỹ. Cùng lúc, đầu tư của EU vào Nga cũng vượt trội so với đầu tư của Mỹ. Nhiều tập đoàn lớn của EU như Ikea, Royal Dutch Shell hay Volkswagen đều có các dự án lớn tại Nga.

Với lạm phát gia tăng và người tiêu dùng bị bào mòn bởi giá nhiên liệu tăng cao, giới chức EU đang rất cẩn trọng trước viễn cảnh áp lệnh trừng phạt chống Nga. EU lo sợ một cuộc chiến tại Ukraine sẽ làm cạn kiệt nguồn cung khí đốt từ Nga giữa mùa đông giá lạnh, thời điểm nhu cầu khí đốt của EU lên đến đỉnh điểm.

Một lý do khác khiến EU chưa hành động chính là bài học mà khối này rút ra trong quá khứ liên quan đến sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014: Một lệnh cấm vận chống Nga sẽ khiến kinh tế EU phải trả mức giá đắt hơn so với Mỹ. Vậy nên, khi Tổng thống Joe Biden cảnh báo Nga có thể sớm có can thiệp quân sự ở Ukraine, giới lãnh đạo EU, tiêu biểu là tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đang tìm cách kéo dài thời gian.

Năng lượng nổi lên là điểm thách thức lớn nhất. Mỹ là nhà xuất khẩu ròng về năng lượng, còn EU phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu, với Nga là nhà cung ứng lớn nhất cả về dầu mỏ và khí đốt.

“Châu Âu đơn độc khi xét đến khía cạnh người tiêu dùng liệu có sẵn lòng chi trả cho mức giá khí đốt tăng mạnh hay không. Khí đốt là vấn đề rất nhạy cảm ở thời điểm hiện nay, khi Nga kìm nén nguồn cung trong vài tháng qua. Giá đã tăng gấp ba, làm chi phí điện tại châu Âu tăng vọt. Đó là lý do khiến châu Âu, chứ không phải Mỹ, đang phải chịu cú sốc lớn hơn về năng lượng”, Jamie Rush, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu tại Bloomberg Economics, nhận định.

Leo thang đối đầu với Nga trong vấn đề Ukraine sẽ là tình hình thêm tồi tệ. Giới chức EU đang bị vướng vào “điểm mù”, khi sản lượng khí đốt trong khối suy giảm, trong khi Nga đã xây dựng xong các hạ tầng đường ống để sẵn sàng tăng sản lượng cung ứng.

Tập đoàn Gazprom (Nga) cùng các đối tác châu Âu, trong đó có Shell, đã bỏ 15 tỉ USD để hoàn thiện việc xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), đang mong muốn đưa dự án này đi vào vận hành. Kịch bản xung đột quân sự ở Ukraine sẽ đóng băng tuyến đường ống này, EU cũng không thể có thêm các hợp đồng cung ứng khí đốt từ Nga. Tình cảnh thiếu hụt năng lượng trong EU khi đó càng thêm trầm trọng.

Theo chuyên gia phân tích William Jackson tại Capital Economics, một khi lệnh cấm vận được dựng lên nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga, hoặc Moskva có ý sử dụng khí đốt như là công cụ để tạo ưu thế, giá khí đốt tại châu Âu có thể sẽ bùng nổ và vượt xa mức đỉnh từng thiết lập hồi cuối năm 2021. Cấm vận Nga cũng giúp các nhà xuất khẩu Mỹ thu lợi, khi các tàu chở khí hóa lỏng (LNG) tăng tần suất cập cảng châu Âu để thay thế nguồn cung từ Nga.

Các doanh nghiệp châu Âu cũng là người chịu tổn thất lớn hơn so với các đối tác Mỹ, do họ đầu tư nhiều hơn vào Nga, với khoảng cách về tổng vốn đầu tư giữa EU và Mỹ ngày một nới rộng trong vài năm trở lại đây. Ikea, Volkswagen và hãng đồ uống Carlsberg hoạt động mạnh tại Nga. Tập đoàn tài chính UniCredit của Italy cũng đang tìm kiếm một cuộc mua bán sáp nhập để đưa UniCredit trở thành ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Nga, vượt trên Societe Generale (Pháp) và  Raiffeisen (Áo). Hơn thế, Nga cũng là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất vào EU đối với các mặt hàng như nhôm, nickel, thép và phân bón.

Tom Keatinge, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh và tội phạm tài chính thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định giới lãnh đạo chính trị Mỹ và châu Âu thường nói mạnh đến các tổn thất kinh tế mà phương Tây có thể gây ra đối với Nga. Nhưng họ lại giữ im lặng, cố lờ đi “một sự thực không mấy dễ chịu” về những hệ quả ở trong nước. Bên khởi phát đòn trừng phạt kinh tế chống Nga, đặc biệt là EU, sẽ phải chịu tổn thất đáng kể.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo FT)
Đức hối thúc cẩn trọng khi xem xét các biện pháp trừng phạt Nga
Đức hối thúc cẩn trọng khi xem xét các biện pháp trừng phạt Nga

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 23/1 đã hối thúc châu Âu và Mỹ cẩn trọng khi xem xét các biện pháp trừng phạt Nga với bất cứ hành động gây hấn nào của Moskva đối với Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN