EU muốn xóa bỏ "con đường Balkan"

"Con đường Balkan" dẫn tới châu Âu bắt đầu từ biên giới Hy Lạp với Macedonia, tới Serbia rồi rẽ đôi tới Croatia và Slovenia - những nơi đang có hàng ngàn người di cư đổ về.


Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại hội nghị hẹp của Liên minh châu Âu (EU) về giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tại vùng Tây Bankan diễn ra ngày 25/10 tại Brussels, các quốc gia tham dự đã một lần nữa kêu gọi Hy Lạp nối lại việc kiểm soát biên giới với Macedonia nhằm đóng con đường từ khu vực Balkan tới Đức.

Hội nghị hẹp này quy tụ lãnh đạo 10 quốc gia: Áo, Bulgaria, Croatia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Rumania, Macedonia, Serbia, Slovenia. Ngoài vấn đề kiểm soát biên giới Hy Lạp-Macedonia, châu Âu cũng yêu cầu Athens xác định danh tính và đăng ký tất cả người di cư tới quốc gia này từ Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt cần giữ chân họ lại.

Khoảng 2.000 người di cư tới thị trấn Kljuc Brdovecki, biên giới Croatia-Slovenia bằng tàu hỏa ngày 24/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Là cửa ngõ vào châu Âu qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp được xem là nguyên nhân lẫn giải pháp với vấn đề làn sóng người xin tị nạn tràn vào châu Âu đến từ Syria, Iraq, cũng như từ Afghanistan và châu Á. Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong tổng số 643.000 người nhập cư trái phép vào EU kể từ đầu năm, 502.000 người qua các hòn đảo của Hy Lạp. Phần lớn muốn tới Đức hoặc Thụy Điển, hai quốc gia EU sẵn sàng đón tiếp người nhập cư.

"Con đường Balkan" dẫn tới châu Âu bắt đầu từ biên giới Hy Lạp với Macedonia, tới Serbia rồi rẽ đôi tới Croatia và Slovenia. Kể từ tuần trước đã có hơn 60.000 người tị nạn tới Slovenia và đợi chờ trong những điều kiện tồi tệ để tiếp tục hành trình tới Áo, sau đó tới Đức. Các quốc gia này đều được EU hỗ trợ để lập các chỗ ở tạm cho người nhập cư.

Làn sóng người nhập cư gây khó khăn cho các nước Balkan và Đức, quốc gia hiện không còn kham nổi việc hỗ trợ người nhập cư. Nội dung bàn bạc tại Hội nghị hẹp này liên quan đến việc xóa bỏ "con đường Balkan" nhưng không dễ dàng với nhiều mâu thuẫn. Lợi ích của các quốc gia điểm đến (Đức, Áo, Thụy Điển) và các quốc gia trung chuyển (Slovenia, Croatia, Hungary, Serbia, Bulgaria, Rumania và Albania) rất khác nhau. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, mục đích của hội nghị là đồng thuận về việc phân chia tốt hơn dọc tuyến đường Balkan.


Trong khi đó, Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic nhấn mạnh "không chấp nhận trở thành vùng đệm". Các quốc gia Balkan tuyên bố họ chỉ có thể là các nước quá cảnh. Ngay cả Hy Lạp cũng nhấn mạnh không có khả năng trở thành trung tâm "lưu giữ" người tị nạn Syria. Thủ tướng nước này Alexis Tsiprat nhấn mạnh Chính phủ Hy Lạp sẵn sàng mở 5 trung tâm đón tiếp để đăng ký người nhập cư nhằm xác định danh tính họ song từ chối lưu giữ tại các trại.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đưa ra 16 đề nghị nhằm khôi phục sự ổn định việc quản lý di cư trong khu vực và làm chậm lại làn sóng di cư. Chủ tịch EC cũng kêu gọi các quốc gia Balkan chấm dứt chính sách cung cấp giấy thông hành cho người nhập cư. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, các quốc gia Balkan lo ngại người nhập cư sẽ ở lại đang gây sức ép với EU. Thủ tướng Serbia, Rumania và Bulgaria cho biết họ sẵn sàng đóng cửa biên giới nếu các quốc gia khác, đặc biệt là Đức, làm như vậy.

TTXVN/Tin Tức
Hàng chục thi thể người di cư dạt vào bờ biển Libya
Hàng chục thi thể người di cư dạt vào bờ biển Libya

Tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ Libya ngày 25/10 cho biết vừa tìm thấy ít nhất 40 thi thể được cho là của những người di cư xấu số ở bờ biển phía Tây nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN