Theo thông báo chính thức, EC - cơ quan giám sát chính sách thương mại tại 27 quốc gia EU, đã tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá sau khi có khiếu nại từ Hiệp hội Thép châu Âu Eurofer.
Cuộc điều tra sự kiến sẽ kéo dài tới 14 tháng và EC có thể áp thuế tạm thời trong vòng 7 - 8 tháng.
Một trong những cáo buộc chính của đơn khiếu nại là các nhà sản xuất Trung Quốc được hưởng lợi từ giá nguyên liệu thô bị bóp méo, đặc biệt là sắt hoặc thép dẹt cán nóng vốn chiếm 60 - 70% chi phí sản xuất và chịu các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc.
Eurofer cho biết việc mở cuộc điều tra là một bước quan trọng nhằm khôi phục một sân chơi bình đẳng. Hiệp hội đồng thời cho biết thêm rằng ngành công nghiệp EU đã thiệt hại 25% khối lượng bán hàng từ năm 2021 đến năm 2023, trong khi hàng nhập khẩu của Trung Quốc tăng hơn gấp đôi.
Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU bày tỏ lo ngại rằng kết quả điều tra có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp và xuất khẩu của Trung Quốc trong tương lai.
Phía Trung Quốc đặc biệt lo lắng về cách EU xây dựng “giá cả bình thường” thông qua việc sử dụng những gì EU cho là giá cả và tiêu chuẩn “không bị bóp méo”. Giá cả thông thường này được so sánh với giá xuất khẩu để xác định mức độ bán phá giá.
Trong hầu hết các trường hợp, bán phá giá chỉ đơn giản là bán một sản phẩm xuất khẩu ở mức giá thấp hơn giá ở thị trường nội địa của nhà xuất khẩu.
Cuộc điều tra trên là động thái mới nhất trong chuỗi điều tra thương mại và trợ cấp của EU đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng như hoạt động của các công ty Trung Quốc ở châu Âu. Đáng chú ý nhất trong số này là cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện.
Các cuộc điều tra và thuế quan của EU và Mỹ đã vấp phải sự phản đối từ Bắc Kinh. Hôm 16/5, Trung Quốc cho hay những luận điểm cho rằng nước này bán phá giá các sản phẩm dư dôi sang thị trường châu Âu và Mỹ chỉ nhằm mục đích bảo hộ thương mại.