Rác thải nhựa trôi trên sông Spree ở Berlin, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 22/7, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ kiện Pháp ra Tòa án Công lý Liên minh châu Âu vì tiếp tục áp dụng quy định bắt buộc dán nhãn phân loại rác trên nhiều mặt hàng tiêu dùng. EC nhận định biện pháp này là “quá mức cần thiết”, gây cản trở thị trường chung và vi phạm nguyên tắc tự do lưu thông hàng hóa trong khối.
Quy định của Pháp, có hiệu lực từ năm 2022, yêu cầu các nhà sản xuất dán nhãn "Triman" hoặc "Info-tri" trên bao bì của sản phẩm như quần áo, thiết bị điện tử, bao bì nhựa và cả dụng cụ làm vườn. Mục tiêu là cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng phân loại rác đúng cách. Tuy nhiên, Brussels đã nhiều lần cảnh báo rằng các quy định đơn phương như vậy sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và tạo rào cản thương mại không cần thiết.
Ủy ban châu Âu nhấn mạnh rằng EU đã thông qua các quy định bao bì chung vào năm ngoái, trong đó yêu cầu tất cả các sản phẩm phải có nhãn thống nhất về thành phần vật liệu nhằm hỗ trợ người tiêu dùng phân loại rác hiệu quả. Tuy nhiên, các quy định chung này chỉ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2028, do đó việc Pháp áp dụng quy định riêng trong thời gian chờ đợi bị coi là vượt quá thẩm quyền.
Một người phát ngôn của Bộ Môi trường Pháp xác nhận sẽ điều chỉnh luật nội địa để phù hợp với quy định của EU khi chúng có hiệu lực, nhưng nhấn mạnh nước này mong muốn giữ lại nhãn Triman trong giai đoạn chuyển tiếp. "Tranh chấp sẽ chấm dứt khi quy định mới được áp dụng từ năm 2028", đại diện này cho biết.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, nhiều công ty bày tỏ bức xúc trước yêu cầu của Pháp. Bà Francesca Stevens, Tổng thư ký hiệp hội ngành bao bì Europen, cho rằng các doanh nghiệp đã phải "chịu chi phí đáng kể để thay đổi thiết kế bao bì chỉ nhằm tuân thủ quy định đơn phương của Pháp". Bà cảnh báo rằng tình trạng mỗi quốc gia có một bộ quy tắc riêng sẽ phá vỡ mục tiêu thị trường thống nhất mà EU đang hướng tới.
Brussels trước đó đã hai lần gửi cảnh báo chính thức tới Pháp vào tháng 2/2023 và tháng 11/2024, yêu cầu nước này điều chỉnh quy định nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Đưa vụ việc ra tòa được xem là bước đi pháp lý tiếp theo nhằm buộc Pháp tuân thủ các quy định chung của EU.
Pháp lâu nay được xem là quốc gia đi đầu trong việc ban hành các chính sách kinh tế tuần hoàn mang tính tiên phong, thường vượt quá mức yêu cầu tối thiểu của EU - hiện tượng này được gọi là “gold-plating” (lập pháp vượt chuẩn). Tuy nhiên, trong bối cảnh EU thúc đẩy hài hòa hóa quy định giữa các quốc gia thành viên, xu hướng lập pháp đơn phương như vậy ngày càng vấp phải sự phản đối từ cả Ủy ban châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp.