Theo Ủy ban châu Âu (EC), Omicron có thể trở nên phổ biến ở châu Âu vào giữa tháng Một. Hiện nay, khoảng 67% dân số châu Âu được tiêm chủng đầy đủ, nhưng tỷ lệ này là dưới 50% ở ba quốc gia (Bulgaria, Romania, Slovakia) và Croatia chỉ ở mức trên (50,4%).
Các ý kiến đánh giá cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm suy yếu giấy chứng nhận sức khỏe của châu Âu do EU đưa ra vào mùa Hè này để cho phép người dân di chuyển tự do nhất có thể trong khối mà không phải xét nghiệm hoặc cách ly. EC quy định chứng chỉ có thời hạn 9 tháng sau khi hoàn thành tiêm chủng mà không cần mũi tăng cường.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về tính hợp lệ của các chứng chỉ COVID-19 và tầm quan trọng của các phương pháp tiếp cận thống nhất và phối hợp khi đề cập đến việc áp dụng các biện pháp quốc gia. Tuy nhiên, gần đây, một số quốc gia thành viên như Italy, Bồ Đào Nha, Ireland, Hy Lạp đã tự phân biệt bằng cách yêu cầu có xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh ngay cả đối với những du khách châu Âu đã được tiêm phòng đầy đủ.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng điều này có thể làm mất tác dụng của chứng chỉ COVID kỹ thuật số do châu Âu tạo dựng. Ông De Croo nhấn mạnh với chứng chỉ này, châu Âu có một giải pháp tốt tạo điều kiện cho công dân đi lại trong EU dễ dàng và an toàn hơn. Thủ tướng Bỉ đề nghị phải đưa thêm vào chứng chỉ kỹ thuật số về liều tăng cường để thúc đẩy người dân tiêm bổ sung.
Theo Hội đồng châu Âu, bất kỳ hạn chế nào về di chuyển phải dựa trên các tiêu chí khách quan và không làm suy yếu hoạt động của thị trường chung hoặc làm ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại giữa các quốc gia thành viên.
Liên quan đến vấn đề vaccine, các nhà lãnh đạo EU tái khẳng định cam kết với các nước thứ ba về việc chia sẻ liều lượng vaccine và cung cấp các thiết bị cần thiết. Châu Âu hiện là "nhà tài trợ và xuất khẩu vaccine lớn nhất trên thế giới" được thực hiện chủ yếu thông qua sáng kiến Covax.