Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BFM của Pháp, ông Breton cho biết hai bên đang ở giai đoạn cuối cùng của các cuộc đàm phán và phía EU sẽ nỗ lực đến cùng để đạt được thỏa thuận. Ông Breton khẳng định EU sẽ theo đuổi thỏa thuận ban đầu, đồng thời nhấn mạnh nếu các công ty Anh muốn hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường EU sau khi rời khối, thì họ phải chấp nhận và tôn trọng tất cả các quy định.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đặt ra hạn chót để đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU là ngày 15/10 tới. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đã bước vào cuộc khủng hoảng mới do London có kế hoạch lật lại các nội dung của Thỏa thuận rút lui đã được ký kết năm 2019 với EU. Mâu thuẫn mới phát sinh liên quan chủ yếu tới vùng Bắc Ireland thuộc Anh, nơi có đường biên giới trên bộ duy nhất với CH Ireland, một thành viên EU.
Theo Hiệp định ngày Thứ Sáu tốt lành giúp chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột ở vùng đất này, đường biên giới trên phải luôn luôn trong trạng thái mở. Để đảm bảo điều này, Thỏa thuận rút lui đã nêu rõ một số quy định của EU sẽ được duy trì tại vùng Bắc Ireland sau khi Anh rời khỏi khối. Tuy nhiên, dự luật mới của Chính phủ Anh phản ánh mong muốn của London có quyền hạn bỏ qua những điều khoản này.
Trong thông cáo ngày 10/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra tối hậu thư yêu cầu Chính phủ Anh rút lại Dự luật Thị trường Nội địa vào cuối tháng 9, nhấn mạnh EU “sẽ không do dự” sử dụng luật pháp nếu yêu cầu này không được đáp ứng. Tuy nhiên, Anh đã thẳng thừng từ chối.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã hối thúc Anh tuân thủ các thỏa thuận mà nước này đã nhất trí với EU.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Áo Gernot Bluemel nhấn mạnh bế tắc trong các cuộc đàm phán hiện nay cũng giống như khi hai bên bất đồng về các điều khoản Brexit cách đây 2 năm. Ông Bluemel tuyên bố Anh nên tự quyết định xem họ có muốn đàm phán một cách nghiêm túc không, khi định từ bỏ một số điều khoản trong thỏa thuận Brexit.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho rằng việc tôn trọng các thỏa thuận đã ký là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận thương mại tương lai nào giữa Anh và EU.
Anh đã chính thức rời EU từ ngày 31/1, chỉ ít ngày sau khi hai bên ký kết thỏa thuận quy định các điều kiện “chia tay”. Trong thời kỳ chuyển tiếp kéo dài đến 31/12, Anh vẫn tiếp tục áp dụng các quy định của EU đồng thời tiến hành đàm phán về quan hệ tương lai.
Vòng đàm phán thứ 8 đã diễn ra từ ngày 8-10/9 nhưng không đạt được kết quả đáng kể nào. Những diễn biến mới nhất có thể làm tăng nguy cơ Anh rời EU mà không có thỏa thuận thương mại, dẫn đến việc hai bên áp đặt thuế quan lẫn nhau, gây ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại.