Anh và EU bước vào vòng đàm phán thương mại hậu Brexit thứ 8

Ngày 8/9, các quan chức Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành vòng đàm phán mới về các vấn đề gai góc nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại song phương sau khi London rời khỏi EU, còn gọi là Brexit. 

Chú thích ảnh
Trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit của Anh David Frost (trái) và người đồng cấp EU Michel Barnier (phải) tại vòng đàm phán thứ nhất ở Brussels, Bỉ ngày 2/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost đã kêu gọi EU thực tế hơn trong các cuộc đàm phán, nhấn mạnh rằng vẫn còn thời gian để hai bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Trong khi đó, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề nhà ở, cộng đồng của Anh Robert Jenick nêu rõ trong trường hợp cần thiết,  London sẵn sàng ra đi mà không có thỏa thuận, đồng thời hối thúc 27 nước thành viên trong khối có sự linh hoạt trong quá trình đàm phán. 

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ mong muốn có thể đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU trước thời hạn chót ngày 15/10. Nhà lãnh đạo Anh cảnh báo việc không đạt được thỏa thuận này cũng đồng nghĩa với việc London chấm dứt tư cách thành viên mà không có thỏa thuận nào. 

Trong khi đó, với các doanh nghiệp Anh, một thỏa thuận thương mại là điều cần thiết, là nền tảng hỗ trợ sự phục hồi của toàn châu lục sau đại dịch COVID-19 và kịch bản không thỏa thuận sẽ là kết cục tồi tệ nhất đối với người tiêu dùng. 

Anh chấm dứt tư cách là thành viên của EU vào ngày 31/1, nhưng nước này vẫn tuân thủ các nguyên tắc của EU trong thời kỳ chuyển tiếp đến ngày 31/12 trong thời gian chờ đợi một thỏa thuận thương mại tương lai giữa hai bên. Trong thời gian này, London vẫn duy trì nghĩa vụ tài chính đối với các quỹ của EU, nhưng không được phép can dự vào các nguyên tắc, quy định do Brussels đề ra. 

Về mặt nguyên tắc, hai bên thống nhất hoàn tất đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương vào giữa tháng 10 tới và văn bản này có hiệu lực từ tháng 1/2021, và chi tiết thỏa thuận phải được nhất trí vào giữa tháng 10 tới. Tuy nhiên, các cuộc đàm hiện vẫn bế tắc liên quan đến một số vấn đề như quyền đánh bắt cá và các vấn đề trợ cấp trong tương lai đối với ngành công nghiệp Anh. 

Theo kế hoạch, trong ngày 9/9, Anh sẽ công bố chi tiết dự luật vạch ra đường hướng phát triển của Anh khi không còn là thành viên của EU. Theo Chánh Văn phòng Nội các Anh Michael Gove, dự luật này sẽ trao cho Chính phủ Anh quyền quyết định chi tiêu ngân sách mới để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trên toàn nước Anh.

Lan Phương  (TTXVN)
Tại sao thoả thuận kiểu Australia không phải là kịch bản tốt cho Anh sau Brexit
Tại sao thoả thuận kiểu Australia không phải là kịch bản tốt cho Anh sau Brexit

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nếu Anh và Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt được một thỏa thuận về thương mại tự do trong tháng tới, London sẽ sẵn sàng rời đi với khả năng một mối quan hệ “như kiểu Australia”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN