Tại sao thoả thuận kiểu Australia không phải là kịch bản tốt cho Anh sau Brexit

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nếu Anh và Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt được một thỏa thuận về thương mại tự do trong tháng tới, London sẽ sẵn sàng rời đi với khả năng một mối quan hệ “như kiểu Australia”.

Chú thích ảnh
Anh đặt hạn chót đạt thỏa thuận với EU trước ngày 15/10. Ảnh: News Sky

“Tôi muốn nói rõ ràng một điều rằng… đó sẽ là một kết quả tốt đẹp cho nước Anh”, kênh CNN trích lời phát biểu của Thủ tướng Boris Johnson đưa ra vài giờ trước khi vòng đàm phán thứ tám của EU-Anh khởi động cuối ngày 7/9.

Tuy nhiên, giới phân tích lại không nghĩ vậy. Australia không có thỏa thuận thương mại tự do với EU. Tuy nhiên, Australia từng bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận với khối này vì những lợi ích cho các hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng trong nước. Một thỏa thuận giữa hai bên cũng sẽ thúc đẩy dòng chảy đầu tư và nhiều sự lựa chọn hơn trong sản phẩm, dịch vụ.

Cách đây hai năm, các quan chức của EU và Australia đã bắt đầu đàm phán chính thức về một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện. Cho đến nay, các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục. 

Australia hy vọng sẽ đạt được lợi ích từ việc nới lỏng thuế quan và hạn ngạch đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường 450 triệu dân châu Âu. Và đây chính xác là lợi thế mà chính phủ Anh sẽ từ bỏ trong một kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Chú thích ảnh
Ô tô vốn là loại hàng hóa có giá trị thứ hai mà Anh xuất khẩu sang EU vào năm 2019. Ảnh: AFP

Nếu như Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận, các nhà xuất khẩu của Anh sẽ phải hứng chịu các loại thuế, từ đó làm suy yếu sự phục hồi của một nền kinh tế còn đang chât vật vì tác động từ đại dịch COVID-19. Cụ thể, các nhà sản xuất ô tô sẽ phải đối mặt với mức thuế lên tới 10%. Theo dữ liệu hải quan chính thức, xe ô tô vốn là loại hàng hóa có giá trị thứ hai mà Anh xuất khẩu sang EU vào năm 2019.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) bà Ursula von der Leyen đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy Thủ tướng Boris ủng hộ một mô hình giao dịch thương mại kiểu Australia. “Chúng tôi hiện giao dịch thương mại với Australia theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Và nếu như đây là lựa chọn của Anh, chúng tôi hoàn toàn không có vấn đề gì. Nhưng thực tế là… chúng tôi lại đang thảo luận với Australia để chấm dứt tình trạng này”, bà Ursula von der Leyen phát biểu hồi tháng 2.

WTO quy định giao dịch hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia phải chịu thuế quan và các rào cản khác, cụ thể như tuân thủ quy định và các thủ tục giấy tờ. 

Trong hai năm nay, Chính phủ Australia tìm cách loại bỏ tất cả các loại thuế quan của EU đối với hàng hóa công nghiệp nước này, trong đó có khoáng sản, kim loại và hóa chất. Từ tháng 6/2018, hai bên đã tham gia 7 vòng đàm phán để thống nhất một thỏa thuận, có thể giúp tăng quan hệ thương mại trị giá 83 tỷ USD lên thêm 1/3. Ủy ban châu Âu tiết lộ trong tháng 9 này, hai bên cũng sẽ tham gia một vòng đàm phán mới.

Ông David Henig – Giám đốc Dự án Chính sách Thương mại Anh tại Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu – nhận định nếu tiến trình Brexit diễn ra mà không có thỏa thuận cũng như không có thỏa thuận giữa Australia và EU, Australia vẫn ở một vị trí thuận lợi hơn so với Anh.

Đó là vì Australia và EU vốn dĩ có sẵn một Thỏa thuận Thừa nhận Lẫn nhau. Thỏa thuận này giúp các nhà sản xuất dễ dàng đảm bảo các phê duyệt quy định liên quan để giao dịch hàng hóa. “Australia là WTO+ còn Anh lại chính là WTO”, chuyên gia Henig cho hay.

Theo ông Kallum Pickering – một nhà kinh tế học cấp cao tại ngân hàng Berenberg, lựa chọn thỏa thuận kiểu Australia của Thủ tướng Johnson có thể là một đòn giáng xuống nền kinh tế trong bối cảnh nước này tìm cách hồi phục sau COVID-19.

“Một kịch bản Brexit ‘cứng’ với ít tiến triển trong việc điều chỉnh thỏa thuận đối với các lĩnh vực quan trọng như thương mại hàng hóa và dịch vụ tài chính có thể đẩy Vương quốc Anh trở lại suy thoái vào đầu năm 2021 và tạm thời làm chậm sự phục hồi của EU”, ông Kallum Pickering kết luận trong một bản ghi chú ngày 7/9.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Giới ngoại giao EU chỉ trích tối hậu thư của Thủ tướng Anh về thỏa thuận 'chia tay’
Giới ngoại giao EU chỉ trích tối hậu thư của Thủ tướng Anh về thỏa thuận 'chia tay’

Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu cảnh báo không ai “muốn thỏa thuận thương mại với một quốc gia không tuân thủ các hiệp ước quốc tế”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN