Giới ngoại giao EU chỉ trích tối hậu thư của Thủ tướng Anh về thỏa thuận 'chia tay’

Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu cảnh báo không ai “muốn thỏa thuận thương mại với một quốc gia không tuân thủ các hiệp ước quốc tế”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại cuộc họp báo ở London ngày 3/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết nếu như không có bất kỳ tiến triển nào đạt được liên quan đến thỏa thuận thương mại tự do giữa Brussels và London trước ngày 15/10, nước Anh sẽ chấp nhận và tiếp tục với kịch bản chia tay không có thỏa thuận.

Trích lời hai nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) giấu tên, hãng tin Reuters cho biết mục đích của Vương quốc Anh muốn thay thế các phần trong thỏa thuận Brexit sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

“Cụm từ 'Pacta sunt servanda' có nghĩa là ‘phải giữ thỏa thuận’ – là một nguyên tắc cơ bản trong luật pháp quốc tế. Nếu Anh chọn không tôn trọng quy định quốc tế, điều đó sẽ làm suy yếu vị thế của quốc gia này trong khu vực”, một nhà ngoại giao chỉ rõ.

Họ cảnh báo không ai “muốn thỏa thuận thương mại với một quốc gia không tuân thủ các hiệp ước quốc tế”. Các nhà ngoại giao cho rằng đây là “một chiến lược tuyệt vọng và tự đánh bại mình”.

Trong khi đó, một nguồn tin EU khác cũng cảnh báo nếu không "thực hiện đúng" thỏa thuận chia tay liên quan đến Brexit, họ "không thể tưởng tượng EU sẽ tiếp tục ký hiệp ước với một quốc gia không tuân thủ các cam kết của mình”.

Các phát ngôn của giới ngoại giao EU được đưa ra sau khi Thủ tướng Boris ngày 7/9 tuyên bố trước phóng viên rằng nếu EU và Anh không đạt được thỏa hiệp vào ngày 15/10, sẽ không có thỏa thuận thương mại và cả hai bên "đều phải chấp nhận điều đó".

Ông cũng tuyên bố nước Anh sẵn sàng cho bất kỳ kịch bản nào trong cuộc đàm phán Brexit với EU.

"Chúng tôi đã sẵn sàng cho bất kỳ kịch bản nào. Chúng tôi sẽ vượt qua. Điều quan trọng là các đối tác của chúng tôi hiểu rằng Vương quốc Anh sẽ làm những gì cần làm”, Thủ tướng Boris nói thêm rằng London "không thể và sẽ không thỏa hiệp về các nguyên tắc cơ bản của việc trở thành một quốc gia độc lập" để có thỏa thuận thương mại.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo lưu ý "cánh cửa của Anh sẽ không bao giờ bị đóng lại" và cho rằng các bên "sẽ giao dịch thương mại như bạn bè và đối tác, chỉ là không có hiệp định thương mại tự do”.

Trước đó một ngày, David Frost - Trưởng đoàn đàm phán của Anh tuyên bố ông không sợ kịch bản không thỏa thuận và rằng nước Anh hoàn toàn sẵn sàng cho khả năng này.

Ông David nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận điều chỉnh thương mại như Canada thì điều đó rất tuyệt. Nếu không thể, đó sẽ là một thỏa thuận ‘theo kiểu Australia’ và chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng cho điều đó". Hiện Australia đang giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO).

Về phần mình, EU cũng đã tỏ ý giữa tháng 10 là thời điểm muộn nhất để đạt thỏa thuận với Anh, do cần thời gian chuyển ngữ cũng như để Nghị viện châu Âu thông qua.

Các diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh vòng đàm phán thương mại thứ tám giữa Vương quốc Anh và EU bắt đầu nối lại tại London vào cuối ngày 7/9. Quyền đánh bắt cá vẫn là điểm chính cần thảo luận trong các cuộc đàm phán. EU đang tìm cách duy trì quyền tiếp cận các vùng biển của Anh nhằm đánh bắt cá tại đó.

Đầu năm nay, trưởng đoàn đàm phán của EU khẳng định rằng cần có "động lực mới" trong các cuộc đàm phán, trong khi trưởng đoàn Frost lập luận thỏa thuận mà Brussels đưa ra "chứa các đề xuất không cân bằng và sẽ ràng buộc Anh với luật pháp hoặc tiêu chuẩn của EU".

Bảo Hà/Báo Tin tức
Thủ tướng Anh đặt thời hạn chót đạt thỏa thuận với EU
Thủ tướng Anh đặt thời hạn chót đạt thỏa thuận với EU

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 6/9 đã đặt thời hạn chót để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 15/10 tới, qua đó phần nào xoa dịu những quan ngại về sự hỗn loạn "không thỏa thuận" nếu đàm phán giữa hai bên thất bại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN