Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu bên lề một hội nghị của liên đoàn giới chủ Pháp tại Paris, ông Barnier nhấn mạnh sự cần thiết phải có một thỏa thuận vào khoảng ngày 31/10, để "đảm bảo việc phê chuẩn một hiệp ước mới một cách an toàn trước cuối năm nay". Ông cũng cho biết có thể gặp trực tiếp trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost vào tuần tới để đàm phán thêm "nếu điều kiện cho phép".
Hai quan chức thương mại hàng đầu của EU và Anh này đã đổ lỗi cho nhau về bế tắc trong các cuộc đàm phán. Tuy vậy, London cho biết họ tin rằng vẫn có thể đạt được một thỏa thuận về quan hệ hậu Brexit.
Cùng ngày, một quan chức EU cho hay Đức, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, loại cuộc thảo luận giữa các quan chức Anh và 27 nước thành viên EU về thỏa thuận thương mại hậu Brexit ra khỏi chương trình nghị sự trong cuộc họp thường kỳ của Ủy ban các đại diện thường trực EU, dự kiến diễn ra vào ngày 2/9 tới. Lý do được đưa ra là các cuộc đàm phán mới nhất vừa qua không tiến triển.
Theo truyền thông Anh, giới quan chức EU nhận định rằng Chính phủ Anh đã chuẩn bị cho kịch bản không thỏa thuận khi tiến trình chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31/12 tới và sẽ đổ lỗi cho EU nếu các cuộc thảo luận đổ vỡ.
Anh đã rời EU từ tháng 1/2020, gần 4 năm sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử đặt dấu chấm hết cho gần 50 năm hội nhập EU của vương quốc này. Hai bên đang nỗ lực đạt một thỏa thuận trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit vào ngày 31/12 tới. Giới chức châu Âu cho biết cần đạt thỏa thuận trước tháng 10, tức là chỉ còn 2 tháng để tìm điểm chung và giải quyết bất đồng. Nếu không đạt thỏa thuận, quan hệ Anh - EU sẽ chỉ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thiết lập, khiến các mức thuế quan sẽ cao hơn hiện nay và các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn hiện nay, có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại và đầu tư ở hai bờ eo biển Manche.
Phía Anh cho rằng việc EU đòi London đáp ứng yêu cầu về chính sách trợ cấp nhà nước và hạn ngạch đánh bắt cá trước khi thảo luận về các lĩnh vực khác đã khiến hai bên không thể đi đến một thỏa thuận. Bên cạnh đó, hai bên còn bất đồng trong nhiều lĩnh vực như di trú, an ninh, cơ chế giải quyết xung đột, đảm bảo nhân quyền.