Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh vẫn diễn ra ác liệt giữa liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu với phiến quân Houthi nhằm giành quyền kiểm soát một số khu vực chiến lược tại quốc gia Hồi giáo trên.
Thông cáo dẫn lời Ủy viên Hỗ trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng của EU Christos Stylianides, nêu rõ EU đang chạy đua với thời gian để giúp người dân Yemen tránh khỏi nạn đói. Đó là lý do khiến liên minh này đẩy mạnh hỗ trợ nhân đạo cho người dân Yemen, theo đó khoảng 8 triệu người dễ bị tổn thương sẽ được nhận nguồn tài trợ bổ sung để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như dinh dưỡng, sức khỏe, vệ sinh. Tuy nhiên, theo EU, cách duy nhất để ngăn chặn thảm kịch nhân đạo này là cần thông qua một giải pháp chính trị để chấm dứt bạo lực.
Các tổ chức viện trợ quốc tế hiện coi Yemen là nước đang lâm vào "cuộc khủng hoảng đói nghèo tồi tệ nhất thế giới" sau khi xung đột diễn ra, khiến khoảng 22,2 triệu người - chiếm hơn 75% dân số - cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, trong khi khoảng 3,5 triệu người đã phải di tản. Thống kê cho thấy gần 18 triệu người Yemen đang cần trợ cấp lương thực và khoảng 8,4 triệu người đang có nguy cơ lầm vào nạn đói trầm trọng.
Báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực Trung Đông và Bắc Phi, công bố hồi tuần trước, đã mô tả Yemen ngày nay, đất nước liên tục bị nhấn chìm trong vòng luẩn quẩn của bạo lực, đói nghèo, bệnh tật, đã trở thành nỗi ám ảnh đối với không phải với 50% hay 60% trẻ em mà là đối với "mọi bé trai và bé gái" tại đây.
Theo ông, cứ mỗi năm lại có 30.000 trẻ em tử vong vì suy dinh dưỡng tại Yemen, trong khi cứ mỗi 10 phút lại có 1 em chết vì các căn bệnh thông thường vốn có thể dễ dàng phòng ngừa. Thống kê của UNICEF cho thấy 1,8 triệu trẻ em Yemen dưới 5 tuổi hiện đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng, trong khi cuộc sống của 400.000 em khác cũng đang bị đe dọa.
Yemen là một trong những quốc gia Arab nghèo nhất, bị chiến tranh tàn phá nặng nề kể từ khi phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shi'ite chiếm giữ phần lớn đất nước, bao gồm cả thủ đô Sanaa vào năm 2014. Một năm sau đó, Saudi Arabia dẫn đầu liên minh quân sự các nước Arab can thiệp vào Yemen, ủng hộ chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi (Áp-ráp-bu Man-xâu Ha-đi) được quốc tế công nhận nhưng phải lưu vong. Xung đột đã khiến gần 10.000 người Yemen thiệt mạng, trong khi LHQ cảnh báo quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 7 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói và hơn 20.000 người tử vong do dịch tả.