Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, theo dự thảo của EC dự kiến được công bố và thông qua ngày 27/4, cột mốc này đạt được sau khi tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do đại dịch ở EU giảm dần do sự lây lan của biến thể Omicron, ít độc lực hơn biến thể trước đó và nhờ khả năng miễn dịch của hơn 70% dân số châu Âu, trong đó một nửa đã được tiêm mũi tăng cường. Brussels ưu tiên một cách tiếp cận "tránh tình trạng khẩn cấp, hướng tới một phương thức quản lý đại dịch khả thi hơn".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định thời điểm bắt đầu và kết thúc đại dịch, một động thái có ý nghĩa pháp lý rộng rãi đối với nhiều ngành bao gồm bảo hiểm và các hãng dược phẩm. Tuy nhiên, WHO vẫn chưa cho rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc. Trong khi đó, EU cảnh báo rõ ràng "COVID-19 vẫn hiện diện ở đây", có khả năng là sự xuất hiện của các biến thể mới và "sự cảnh giác và chuẩn bị" do đó vẫn cần thiết. Các chính phủ EU được khuyến cáo nên giữ nguyên trạng thái của mình và sẵn sàng áp dụng các biện pháp khẩn cấp nếu cần thiết.
Theo EC, cần có một cách tiếp cận mới để giám sát đại dịch và sàng lọc có hệ thống những người có triệu chứng của bệnh và những người mà họ đã tiếp xúc - một biện pháp mà một số quốc gia trong khối đã từ bỏ. Dự thảo của EC cũng nhấn mạnh, vaccine vẫn cần thiết trong cuộc chiến chống lại COVID-19, khuyến nghị các nước EU xem xét các chiến lược để tăng cường tiêm chủng cho trẻ em trước năm học tới.