EU chưa triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine

Ngày 16/12, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định chưa xem xét triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, trong bối cảnh xung đột giữa Kiev và Moskva vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chú thích ảnh
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Trước thềm cuộc họp Hội đồng Đối ngoại, Đại diện cấp cao EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, bà Kaja Kallas khẳng định rằng bất kỳ kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình nào cũng chỉ có thể được xem xét khi tình hình chiến sự chấm dứt và hòa bình được thiết lập.

Theo bà Kallas, Nga hiện không cho thấy thiện chí chấm dứt chiến sự. Bà viện dẫn cuộc phỏng vấn gần đây của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong đó ông Lavrov tái khẳng định quan điểm của Moskva rằng xung đột tại Ukraine bắt nguồn từ cuộc đảo chính được phương Tây hậu thuẫn tại Kiev vào năm 2014. Ngoại trưởng Nga cũng phản đối việc Ukraine gia nhập NATO, đồng thời cho biết Moskva sẵn sàng đàm phán hòa bình nếu lợi ích an ninh của Nga được tôn trọng.

Thông tin về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine gần đây đã được truyền thông châu Âu đề cập, đặc biệt sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột và kêu gọi một lệnh ngừng bắn. Cuộc họp cấp cao dự kiến diễn ra vào ngày 18/12 với sự tham gia của nhiều lãnh đạo, bao gồm Tổng thư ký NATO Mark Rutte và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, được cho là sẽ thảo luận về vấn đề này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng được xem là một trong những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.

Tuy nhiên, Điện Kremlin bày tỏ sự hoài nghi đối với bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến lực lượng gìn giữ hòa bình trong bối cảnh hiện tại. Phát ngôn viên Dmitry Peskov cho rằng việc thảo luận về vấn đề này là "không thực tế", do Tổng thống Zelensky đã ban hành luật cấm mọi đàm phán với chính quyền Nga. Ông Peskov nhấn mạnh rằng Moskva sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi đạt được các mục tiêu đề ra, bao gồm trung lập hóa, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine.

Tình hình xung đột tại Ukraine tiếp tục là thách thức lớn đối với an ninh khu vực, trong khi các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình vẫn gặp nhiều trở ngại. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là EU, sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra các hành động mang tính quyết định trong tương lai.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo RT/bignewsnetwork.com)
EU nhất trí về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga
EU nhất trí về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga

Ngày 11/12, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 15 nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó đặc biệt nhằm vào những tàu chở dầu bị cáo buộc được Nga sử dụng để né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN