Các đại biểu EU và AU chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phát biểu sau khi ký thỏa thuận trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã kêu gọi các nước thành viên EU tiếp tục đóng góp và hợp thức hóa quỹ trị giá 1,8 tỷ euro này. Theo EC, cho đến nay, mới có 25 trong tổng số 28 nước thành viên EU và 2 quốc gia ngoài EU là Na Uy và Thụy Sĩ cam kết đóng góp khoảng 78,2 triệu euro cho quỹ này. Ngoài ra, ông Juncker cũng cho rằng EU cần phối hợp với những nước châu Âu cũng như các đối tác khác ở châu Phi để thúc đẩy kinh tế, cơ hội bình đẳng, an ninh và phát triển tại châu Phi.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, Tổng thống Senegal Macky Sall, đồng thời là Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi, cùng một số nhà lãnh đạo châu Phi khác, cho biết với mức đóng góp hiện nay, quỹ ủy thác dành cho châu Phi là chưa đủ.
Quỹ ủy thác được thành lập nhằm giải quyết tận gốc các vấn đề như đói nghèo, bạo lực..., nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng di cư được coi là lớn nhất kể từ Đại chiến thế giới lần thứ hai. Thông qua chương trình tạo việc làm và tăng cường nỗ lực ngoại giao, các nhà lãnh đạo EU và châu Phi hy vọng sẽ giảm hoặc chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra tại nhiều khu vực của "lục địa đen".
Cùng với kế hoạch trên, EU cũng hy vọng hai bên sẽ ký kết kế hoạch hành động gồm 5 điểm với châu Phi nhằm tăng cường sự hợp tác chung trấn áp các tổ chức buôn người cũng như nhận lại những người di cư bị châu Âu trả về.
* Vấn đề người di cư: EU - châu Phi thông qua kế hoạch hành động chung
Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Phi ngày 12/11 đã thông qua Kế hoạch hành động chung giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư từ nay đến cuối năm 2016.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết bản kế hoạch này tập trung vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề người di cư, chống các nhóm buôn người, tăng cường hợp tác giữa các nước trong vấn đề di cư hợp pháp và bảo vệ người tị nạn, cũng như hồi hương những người di cư không đủ điều kiện ở lại để xin tị nạn tại các nước EU. EU và các nước châu Phi sẽ thành lập tại Nigeria một nhóm điều tra chống lại việc đưa người di cư trái phép, sau đó mô hình này sẽ được áp dụng tại các nước khác. Ngoài ra. hội nghị cũng nhất trí thực hiện 15 sáng kiến khác gồm thiết lập các trung tâm thông tin tại các nước có người di cư đi qua nhằm tuyên truyền về những hiểm nguy họ sẽ gặp phải nếu đi theo các đường dây buôn người.
Các nhà lãnh đạo EU và châu Phi cam kết sẽ theo dõi chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch hành động này và hội nghị thượng đỉnh kế tiếp sẽ được tổ chức trước tháng 1/2017 để đánh giá tiến bộ trong việc thực hiện kế hoạch này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố hội nghị chưa giải quyết được mọi vấn đề của cuộc khủng hoảng người di cư nhưng là bước đi quan trọng trên con đường hợp tác giữa EU và châu Phi trong vấn đề này.
Theo số liệu do Cơ quan Kiểm soát biên giới của EU vừa công bố, đã có khoảng 1,2 triệu người di cư bất hợp pháp tới EU kể từ đầu năm nay.