Trong một thông điệp trên Twitter, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết việc tạm dừng các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran - có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - là cần thiết do xuất hiện những yếu tố bên ngoài. Ông cho biết thêm: “Một văn bản dự thảo thỏa thuận cuối cùng về cơ bản đã được chuẩn bị sẵn sàng”.
Tuyên bố trên của phía EU được đưa ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine sẽ không phương hại tới bất kỳ mối quan hệ thương mại - kinh tế và đầu tư nào giữa Nga và Iran.
Đáp lại động thái trên của EU, Bộ Ngoại giao Iran ngày 11/3 cho rằng việc tạm dừng đàm phán với các cường quốc thế giới về việc khôi phục JCPOA có thể tạo động lực để giải quyết mọi vấn đề còn tồn tại.
Trong một tuyên bố trên Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - ông Saeed Khatibzadeh - nêu rõ: "Việc tạm dừng cuộc đàm phán ở Vienna có thể là động lực để giải quyết mọi vấn đề còn tồn tại. Kết thúc thành công các cuộc đàm phán sẽ là trọng tâm chính của tất cả các bên". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Không có yếu tố bên ngoài nào ảnh hưởng đến ý chí chung của chúng ta là hướng tới một thỏa thuận tập thể".
JCPOA được Iran cùng Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết năm 2015, trong đó Tehran cam kết sẽ giảm quy mô phát triển chương trình hạt nhân, đổi lại sự nới lỏng trừng phạt từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Điều này đã khiến Iran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên và thúc đẩy các chương trình hạt nhân đã tạm dừng trước đó.
Các bên đã tổ chức 8 vòng đàm phán từ tháng 4/2021 và đến nay đang tiến đến giai đoạn cuối nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức tham gia đàm phán trực tiếp trong khi Mỹ tham gia gián tiếp.