Theo thông cáo báo chí được công bố sau cuộc điện đàm, hai nhà ngoại giao đã tập trung vào việc thực thi toàn bộ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân năm 2015) đối với chương trình hạt nhân của Iran. Hai bên nhấn mạnh việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân cần đảm bảo rằng "tất cả các bên liên quan đều có quyền bình đẳng và tự do hợp tác trong mọi lĩnh vực mà không gặp bất cứ sự phân biệt đối xử nào".
Thông cáo báo chí cũng cho biết ngoài vấn đề hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Nga và Iran đã thảo luận về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và tình hình an ninh ở Syria.
Trong một diễn biến khác liên quan, Phó tổng thư ký Cơ quan Hoạt động đối ngoại châu Âu Enrique Mora cùng ngày cho biết cần phải đưa ra các quyết định chính trị để kết thúc các cuộc đàm phán tại Vienna về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ông Mora nên rõ đã đến lúc các quyết định này kết thúc các cuộc đàm phán. Sẽ không còn các cuộc đàm phán cấp chuyên gia hay các cuộc gặp chính thức để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.
Những tuyên bố trên của ông Mora được đưa ra sau khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho rằng vẫn còn một số bất đồng giữa Iran và các nước phương Tây.
Năm 2015, Iran đã ký JCPOA với nhóm P5+1 gồm Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức, tuy nhiên vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Điều này đã khiến Iran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên và thúc đẩy các chương trình hạt nhân đã tạm dừng trước đó. Kể từ tháng 4/2021, Iran và các nước còn lại tham gia JCPOA đã tổ chức 8 vòng đàm phán tại Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận này.