Đặc phái viên Mỹ phụ trách khu vực Sừng châu Phi Jeffrey Feltman ngày 4/11 đã lên đường thăm Ethiopia trong 2 ngày. Đây được coi là nỗ lực mới nhất và cũng được coi là hy vọng cuối cùng để hạ nhiệt căng thẳng, giúp Ethiopia tránh được một cuộc nội chiến.
Sứ mệnh của ông Feltman tại thủ đô Addis Ababa sẽ là thuyết phục ông Ahmed đồng ý đạt thỏa thuận ngừng bắn, khôi phục lại đàm phán hòa bình, giúp chấm dứt xung đột giữa quân chính phủ với “Mặt trận giải phóng Nhân dân Tigray” (TPLF), lực lượng đại diện cho nhóm sắc tộc thiểu số chiếm chỉ khoảng 6% dân số ở miền bắc Ethiopia.
Xung đột ở Ethiopia đã kéo dài hơn một năm, khởi đầu từ Tigray và hiện đã lan rộng, tàn phá hơn một nửa đất nước. Ngày 2/11, Ethiopia đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi TPLF giành quyền kiểm soát nhiều phần lãnh thổ và dự định tiến vào thủ đô Addis Ababa. Lần gần đây nhất Ethiopia phải ban bố tình trạng khẩn cấp là tháng 2/2018, kéo dài trong 6 tháng trước khi chuyển giao quyền lực cho Thủ tướng Abiy Ahmed. Các lệnh giới nghiệm đã được thực thi và hoạt động đi lại của người dân bị hạn chế.
Các nước láng giềng như Sudan, Eritrea cùng với các quốc gia khác như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Nga, Trung Quốc cũng đã nỗ lực vào cuộc để giảm căng thẳng. Vùng Sừng châu Phi là vùng có vai trò địa chính trị rất quan trọng. Xung đột ở Ethiopia kéo theo nguy cơ đẩy khu vực lâm vào bất ổn trong nhiều năm nữa.
“Mùa xuân Ethiopia” kết thúc như một thảm kịch ở nhiều góc độ. Đó là việc 110 triệu người dân mòn mỏi, mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn sau thỏa thuận hòa bình năm 2018 ký với Eritrea tháng 7/2018. Kế đến, nền kinh tế vốn bị tàn phá bởi lạm phát và đại dịch sẽ lại phải hứng chịu gánh nặng chiến tranh, xung đột trong nhiều năm. Vòng xoáy luẩn quẩn về nghèo đói lại tiếp diễn.
Nói là thảm kịch còn bởi lẽ những diễn biến tại Ethiopia chỉ ra rằng trước thời điểm rối loại nghiêm trọng xuất hiện ở Afghanistan, các đối tác phương Tây của Ethiopia đã mắc sai lầm ở Ethiopia. Mỹ và một số đồng minh đã vội vã khi ra mặt ủng hộ người được đề cử giải Nobel về Hòa bình nắm quyền lãnh đạo tại Addis Ababa. Ông Abiy được đề cử chỉ là nhờ vào thỏa thuận hòa bình với Eritrea.
Chính phủ nhiều nước phương Tây đã bị che mờ bởi xu hướng háo hức ủng hộ cải cách. Phương Tây ở thời điểm đó chỉ đơn giản muốn chứng minh hậu thuẫn đối với một vị thủ tướng trẻ tuổi, có sức hút, lôi cuốn, người hứa hẹn mang lại hòa bình, ổn định cho quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi.
Nhưng họ đã đánh giá sai những vận động, dịch chuyển tại một đất nước có tới 80 sắc tộc. Chỉ cần nhìn thoáng qua lịch sử cũng đủ để thấy rằng có sự đối đầu sâu sắc giữa sắc tộc Oromo và Amhara. Còn với người thuộc nhóm thiểu số Tigray, họ không chấp nhận một nền chính trị mang tính biểu tượng. Việc Liên minh châu Phi (AU) – tổ chức đặt trụ sở ở Addis Ababa, một lần nữa thất bại trong việc chuyển hóa cam kết về “giải pháp châu Phi cho những vấn đề của châu Phi” đã nói lên nhiều điều.
Rất dễ đổ lỗi cho công đồng quốc tế về thất bại cải cách mới nhất ở Ethiopia. Nhưng cần phải thấy rằng Ethiopia có một nề văn hóa nghi ngờ, nghi kỵ lẫn nhau. Rất khó để đoán biết tương lai quyền lực ra sao nếu nhìn vào liên minh vụ lợi giữa người Tigray và người Oromo.
Nhưng có thể khẳng định rằng nếu thiếu đi một vòng đối thoại quốc gia nghiêm túc, có sự tham gia của tất cả thành phần, lực lượng, sắc tộc liên quan, nhất là thủ lĩnh tôn giáo, giới cầm quyền truyền thống, đại diện xã hội dân sự, sẽ rất khó để ngăn chặn xu hướng Balkan hóa ở Ethiopia.