Tuyên bố của Cao ủy Nhân quyền LHQ nêu rõ: "Mức độ nghiêm trọng của các hành vi bạo lực và lạm dụng mà chúng tôi được báo cáo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải quy trách nhiệm cho các đối tượng gây tội ác ở tất cả các bên".
Tuyên bố của bà Bachelet được đưa ra sau khi Cơ quan nhân quyền LHQ và Ủy ban Nhân quyền Ethiopia (EHRC) đã tiến hành cuộc điều tra chung về vi phạm quyền con người tại Tigray, đồng thời cảnh báo về "những tội ác chống lại nhân loại ”của tất cả các bên liên quan cuộc xung đột đã kéo dài hơn một năm qua.
Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các bên chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở Ethiopia, sau khi chính phủ nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh lo ngại các lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) đang tiến về thủ đô.
Phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết Tổng thư ký Guterres kêu gọi chấm dứt ngay các hành động thù địch, không hạn chế tiếp cận nhân đạo để cung cấp hỗ trợ cứu người khẩn cấp, đồng thời tiến hành đối thoại quốc gia toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng, tạo nền tảng cho hòa bình và ổn định trên khắp đất nước. Tuyên bố nhấn mạnh rằng sự ổn định của Ethiopia và khu vực đang bị đe dọa và ông Guterres "cực kỳ lo ngại" trước sự leo thang bạo lực cũng như tình trạng khẩn cấp được ban bố.
Ngày 2/11, Ethiopia đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi các lực lượng TPLF ở miền Bắc nước này tiếp tục giành quyền kiểm soát nhiều phần lãnh thổ và dự định tiến vào thủ đô Addis Ababa. Lần gần đây nhất Ethiopia phải ban bố tình trạng khẩn cấp là tháng 2/2018, kéo dài trong 6 tháng trước khi chuyển giao quyền lực cho Thủ tướng Abiy Ahmed. Các lệnh giới nghiệm đã được thực thi và hoạt động đi lại của người dân bị hạn chế.
Xung đột ở vùng Tigray bùng phát từ tháng 11/2020 giữa quân đội chính phủ liên bang Ethiopia và các lực lượng trung thành với TPLF đang kiểm soát vùng này. LHQ cảnh báo cuộc xung đột có thể đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng.